Ảnh minh hoạ (Nguồn: vinhphuc.gov.vn)
Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, huyện Tam Dương đã vượt qua không ít khó khăn, thách thức để từng bước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Với quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện, Chương trình xây dựng NTM được triển khai quyết liệt và đồng bộ. BCH Đảng bộ huyện, BTV Huyện ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề liên quan đến các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Các xã trong huyện đều ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương. 12/12 xã đã phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn, kịp thời chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ.
Công tác tuyên truyền đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM. Tam Dương đã xác định công tác tuyên truyền, vận động phải được đặt lên hàng đầu, phải đi trước một bước và phải được triển khai theo lộ trình, xác định từng nội dung, cách thức triển khai cụ thể trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể.
Ngay từ những ngày đầu thực hiện, trên cơ sở các hướng dẫn, tài liệu của Tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trong đó Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì xây dựng đề cương, tài liệu tuyên truyền về công tác xây dựng NTM với những nội dung cụ thể, sát thực với thực tế của huyện. Thời gian đầu, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện về các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, của huyện về xây dựng NTM. Các tiêu chí, đặc biệt là cách thức triển khai xây dựng NTM được coi là nội dung chính trong công tác tuyên truyền. Phòng NN&PTNT, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể... đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân, đoàn viên, hội viên ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, liên kết hợp tác trong sản xuất, giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ nông sản. Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân tích cực thực hiện công tác dồn thửa đổi ruộng, hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình văn hoá, giáo dục; chấp hành tốt các chủ trương về giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án. Những mô hình hiệu quả, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của các địa phương, đơn vị, được chú trọng tuyên truyền. Các kết quả, bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM, nhất là phương châm làm NTM: “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; “làm từ đồng ruộng về làng, làm từ hộ gia đình ra thôn, xóm, làm từ thôn xóm lên xã; Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới” được tổ chức tuyên truyền sâu rộng.
Các nội dung tuyên truyền trên được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và mang lại hiệu quả thiết thực. Huyện uỷ giao Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã đưa nội dung tuyên truyền xây dựng NTM vào các hướng dẫn tuyên truyền theo quý, tổ chức các hội nghị báo cáo viên để cung cấp thông tin về các quan điểm chỉ đạo, kết quả triển khai thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn, nhất là những địa phương có cách làm hay, sáng tạo; các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với phòng nông nghiệp tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn tới tận cấp cơ sở để nâng cao nhận thức và kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng NTM còn được tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông. Công tác tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở được triển khai hiệu quả. Tại hội nghị giao ban báo cáo viên và công tác dư luận xã hội hằng quý, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên mời các ngành chức năng, các địa phương đến cung cấp thông tin về tình hình, kết quả xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đơn vị; chỉ đạo, định hướng tuyên truyền trên các các phương tiện thông tin truyền thông của huyện, của tỉnh.
Các Ban Xây dựng Đảng và các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện tùy theo chức năng, nhiệm vụ đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đồng thời tăng cường phối hợp với các xã triển khai tích cực các nhiệm vụ tuyên truyền xây dựng NTM. Ban Dân vận Huyện ủy đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Ủy ban MTTQ huyện đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM”; các tổ chức chính trị - xã hội ... đều phát động các phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM, lựa chọn nội dung cụ thể về xây dựng NTM, ký kết giao ước với các xã để chỉ đạo và triển khai thực hiện đến cơ sở.
Kết quả, sau 7 năm triển khai, các địa phương ở Tam Dương đã huy động được trên 2000 tỷ đồng do cộng đồng dân cư, hộ gia đình và các doanh nghiệp tự đầu tư, đóng góp, nhiều hộ dân hiến đất nông nghiệp, đất thổ cư để làm đường giao thông nông thôn, giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình văn hóa – xã hội; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 92%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt 42,6%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo của huyện đạt 54,5%; điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,18% (năm 2008) xuống còn 2,66% (năm 2017); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 đạt 31,3 triệu đồng, tăng 22,8 triệu đồng so với năm 2008. Đến hết năm 2018, Tam Dương đã có 11 xã/12 xã được công nhận hoàn thành xây dựng NTM (chiếm 91,67%). Huyện Tam Dương cũng đã hoàn thành 06/09 tiêu chí của huyện nông thôn mới.
Có thể nói, trong 7 năm qua, nhờ tuyên truyền một cách thường xuyên với những cách làm sáng tạo, mới mẻ, chương trình xây dựng NTM ở Tam Dương đã tạo được sự lan tỏa rộng rãi, huy động được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao từ phía quần chúng nhân dân. Nông nghiệp, nông thôn ở Tam Dương ngày càng khởi sắc, người nông dân có những đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, nhiều mô hình sản xuất đã áp dụng kỹ thuật tiên tiến đã phát huy hiệu quả (nuôi trai lấy ngọc- Hướng Đạo; trồng ớt – Hợp Hòa,… ), góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.
Tuy nhiên, cùng với những thành công mang đậm dấu ấn của công tác tuyên truyền, vận động của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể thì công tác xây dựng NTM nói chung, công tác tuyên truyền nói riêng vẫn bộc lộ một số hạn chế: Công tác tuyên truyền tuy sớm được triển khai nhưng chưa thực sự có chiều sâu và điểm nhấn. Nội dung tuyên truyền còn dừng lại ở việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, các thông tin khác vẫn còn mang tính một chiều, chưa đáp ứng được các nhu cầu bức thiết của nhân dân. Thông tin tuyên truyền xây dựng NTM trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa nhiều, chưa được liên tục. Một số chính sách của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn chưa được cụ thể hóa nên khi vận động nhân dân còn gặp trở ngại nhất là vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, việc vận động thay đổi các tập quán, lối sống, sản xuất theo phương pháp truyền thống của một số vùng cũng còn rất chậm.
Từ thực tiễn và kết quả đã đạt được sau 7 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM, cụ thể là:
Thứ nhất, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo định hướng của các cấp ủy Đảng, chính quyền có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với công tác tuyên truyền. Hằng năm, Huyện ủy, UBND và Ban Chỉ đạo ban hành Kế hoạch tuyên truyền về xây dựng NTM, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, đảm bảo công tác tuyên truyền được triển khai thực hiện thiết thực, hiệu quả. Thực tế cho thấy, ở đâu có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền thì ở đó công tác tuyên truyền được tăng cường, hoạt động nền nếp và hiệu quả.
Thứ hai, công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo đúng, trúng, sát sao, kịp thời. Thời gian qua, Ban Tuyên giáo các cấp với vai trò là cơ quan chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, cùng với ngành Nông nghiệp - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động tham mưu và trực tiếp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra công tác tuyên truyền Chương trình xây dựng NTM từ cấp huyện đến cấp xã và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Thời gian tới, Ban Tuyên giáo các cấp cần tiếp tục phát huy được vai trò của mình là cơ quan tham mưu, chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền. Tích cực tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền về Chương trình xây dựng NTM, nhất là ở cơ sở.
Thứ ba, Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ. Để tạo sức lan tỏa cho Chương trình, công tác tuyên truyền, vận động cần được các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan báo chí, tuyên truyền và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên vào cuộc quyết liệt, đồng bộ; nội dung, hình thức thiết thực, phù hợp. Thường xuyên đăng tải, cập nhật tin, bài, phóng sự, ảnh… tuyên truyền về các hoạt động, cách làm hay, các mô hình, điển hình tiên tiến xây dựng NTM; đồng thời, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình xây dựng NTM ở các địa phương để kịp thời tháo gỡ, khắc phục. Bên cạnh đó, các nội dung tuyên truyền về Chương trình xây dựng NTM cần được lồng ghép với các chuyên mục, tin, bài, phóng sự khác tạo sức lan toả rộng lớn cho Chương trình.
Thực tiễn cho thấy, tại những địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân rất tích cực, nhiệt tình tham gia, hưởng ứng phong trào xây dựng NTM. Từ đó, huy động được các nguồn lực, phát huy sức mạnh đoàn kết, tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện các tiêu chí của Chương trình.
Thứ tư, phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, vì vậy các cấp ủy Đảng, chính quyền phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện, nòng cốt là Ban Tuyên giáo các cấp. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của BCĐ xây dựng NTM các cấp, đổi mới cách làm để nhân dân và cộng đồng dân cư được tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng NTM. Không gì tuyên truyền, vận động tốt hơn, thuyết phục hơn việc để người dân được tự mình quyết định, triển khai thực hiện xây dựng NTM, khuyến khích vai trò chủ thể, sự tham gia, hưởng ứng của người dân.
Từ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền ở các địa phương, đơn vị có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, vận động đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định hàng đầu đến thành công của Chương trình xây dựng NTM. Năm 2019, huyện Tam Dương đang nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành xây dựng xã Đồng Tĩnh là xã NTM và hoàn thành nốt 03 tiêu chí để huyện Tam Dương trở trành huyện NTM. Trong rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp đặt ra thì công tác tuyên truyền, vẫn động vẫn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đi đầu để huyện Tam Dương hoàn thành mục tiêu huyện NTM trong năm 2019, góp phần cùng với toàn tỉnh, đưa Vĩnh Phúc sẽ thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020 theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.