Kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả nổi bật trong 10 tháng năm 2022

Thứ ba, 15/11/2022 08:49
(ĐCSVN) - Trong 10 tháng năm 2022, kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của cả nước. Từ nay đến cuối năm 2022, địa phương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đặc biệt các điều kiện đầu vào cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát giá cả nguyên vật liệu, đáp ứng đủ nhu cầu lao động,…

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong 10 tháng năm 2022. Cụ thể, về hoạt động ngân hàng, tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các Tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chủ động cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý. Đồng thời, tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất; triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tính đến 30/9/2022 đạt 99.815 tỷ đồng; tăng 3.737 tỷ đồng (3,88%) so với tháng 8; tăng 3.471 tỷ đồng (3,6%) so với tháng 12/2021. Tổng dư nợ cho vay đến 30/9/2022 đạt 115.428 tỷ đồng, tăng 1.378 tỷ đồng so với tháng trước; tăng 13.388 tỷ đồng (13,12%) so với tháng 12/2021. Nợ xấu trên địa bàn đến 30/9/2022 là 791 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,69%/tổng dư nợ.

10 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã thu hút được 41 dự án mới và 39 lượt dự án tăng vốn (Ảnh minh họa: A.N)

Đáng chú ý, trong hoạt động xúc tiến đầu tư, 10 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã thu hút được 41 dự án mới và 39 lượt dự án tăng vốn, trong đó: Dự án DDI cấp mới 16 dự án, điều chỉnh vốn cho 7 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 9.937 tỷ đồng. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cấp mới 25 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 32 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 312,5 triệu USD.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 15/10/2022, toàn tỉnh có 1.123 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 20.531 tỷ đồng, tăng 18,7% về số doanh nghiệp, tăng gần gấp đôi về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp tham gia quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực với 407 doanh nghiệp, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2022 lên 1.530 doanh nghiệp (trung bình mỗi tháng có 153 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Về tình hình sản xuất, kinh doanh một số ngành, lĩnh vực, với sản xuất công nghiệp, trong tháng 10/2022 tiếp tục có sự tăng trưởng, nhất là đối với các ngành sản xuất trọng điểm. Cụ thể như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 6,41% so với tháng trước (9/2022) và tăng 16,77% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, ước tính IIP tăng 15,42% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất của 10 tháng trong giai đoạn 2019 - 2022.

 Sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2022 tiếp tục có sự tăng trưởng (Ảnh minh họa: A.N)

Cũng trong tháng 10/2022, nhìn chung, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có sản lượng sản xuất ước tính tăng so với cùng kỳ; trong đó, một số sản phẩm chủ lực của tỉnh ghi nhận mức tăng khá, đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp: Giày thể thao ước đạt 1.279,2 nghìn đôi, tăng 23,37%; gạch ốp lát đạt 9.523,6 nghìn m2 , tăng 23,22%; ô tô các loại đạt 3.350 xe, tăng 7,48%; xe máy các loại đạt 136.276 chiếc, tăng 11,90%; doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử ước đạt 22.439,2 tỷ đồng, tăng 22,34% so với tháng 10/2021. Tính chung 10 tháng, sản lượng sản xuất của 5 sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên của tỉnh đều tăng so với 10 tháng năm 2021.

Bên cạnh đó, với ngành Nông nghiệp, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân triển khai đồng bộ tất cả các hoạt động sản xuất như: tưới tiêu, giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ,… Tính đến trung tuần tháng 10, bà con nông dân trong tỉnh đã thu hoạch xong các cây trồng chính và tiếp tục thu hoạch các cây còn lại.

Đối với sản xuất thủy sản, ước tháng 10/2022, sản lượng thủy sản đạt 1.730,5 tấn, trong đó: Sản lượng nuôi trồng đạt 1.560,5 tấn; sản lượng giống đạt 78,5 triệu con các loại. Tính chung 10 tháng năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 6,5 nghìn ha, đạt 100% kế hoạch; sản lượng thủy sản ước đạt 19,6 nghìn tấn, đạt 82% kế hoạch, tăng 0,4%; sản lượng giống thủy sản đạt gần 3 tỷ con các loại, đạt 101,6% kế hoạch, tăng 2,0% so với cùng kỳ.

 Sản xuất thủy sản đạt được nhiều kết quả trong 10 tháng năm 2022 (Ảnh minh họa: B.T)

Về xây dựng nông thôn mới, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4/9 huyện, thành phố (Yên Lạc, Bình Xuyên, Vĩnh Yên, Phúc Yên) được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11 xã đang trình Hội đồng tỉnh xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 51 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, địa phương sẽ đẩy mạnh cải cách và tạo đột phá về thể chế, cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực. Trong  đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đặc biệt các điều kiện đầu vào cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát giá cả nguyên vật liệu, đáp ứng đủ nhu cầu lao động; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công. Đảm bảo đạt và vượt kế hoạch năm 2022, đặc biệt các chỉ tiêu tăng trưởng, thu ngân sách…

Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên (đặc biệt là nguồn tài nguyên đất, đá, cát, sỏi); bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai.

Tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục triển khai các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Rà soát quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xử lý các tồn tại, vướng mắc đối với phát triển các khu công nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; hoàn thiện việc xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới,…/.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực