Vĩnh Phúc đẩy mạnh số hóa và cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Thứ ba, 26/11/2024 15:14
(ĐCSVN) - Tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung xây dựng chính quyền số, đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần được mở rộng, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) 

Giải pháp quan trọng trong cải cách hành chính

Xác định số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính là một trong những giải pháp quan trọng giúp cải tiến quy trình xử lý công việc của cơ quan hành chính nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Việc số hóa không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn mang lại sự thuận tiện, hài lòng cho người dân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công.

Một trong những mục tiêu trọng tâm của Đề án 06 là giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Để triển khai hiệu quả, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án nhằm phát triển hạ tầng số, nền tảng số và dữ liệu số. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm củng cố an ninh mạng, xây dựng thể chế số, đào tạo năng lực cán bộ và tuyên truyền tạo sự đồng thuận từ các cấp chính quyền đến người dân.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp triển khai giải pháp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chip, và định danh điện tử. Đặc biệt, tỉnh chú trọng số hóa hồ sơ trong quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, gắn việc này với trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời yêu cầu không được đòi hỏi người dân cung cấp giấy tờ đã được số hóa.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc đóng vai trò nòng cốt trong việc triển khai chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Sở đã phát triển nhiều nền tảng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính. Toàn bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành (41 thủ tục) đã được UBND tỉnh công bố là dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Năm 2024, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến thuộc ngành đạt 100%, khẳng định hiệu quả của việc số hóa và cải tiến quy trình xử lý thủ tục hành chính. Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao tinh thần, thái độ của cán bộ công chức trong phục vụ người dân. Sở Thông tin và Truyền thông nhiều năm liên tiếp nằm trong nhóm dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

Trong lĩnh vực y tế, toàn ngành đã triển khai 133 thủ tục hành chính trên nền tảng số, trong đó có 77 thủ tục trực tuyến toàn trình. Đặc biệt, các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến xã đã tích hợp dữ liệu khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế qua hệ thống kết nối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bệnh án điện tử cũng được triển khai thành công tại 5 đơn vị lớn như Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh hiện cung cấp 1.865 dịch vụ công, với 954 dịch vụ trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ ký số văn bản điện tử đạt hơn 99%. Việc tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng đăng nhập, thực hiện các thủ tục bằng tài khoản định danh điện tử VNeID.

Nỗ lực cải cách hướng tới mục tiêu năm 2025

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỉnh cũng hướng tới cắt giảm ít nhất 50% giấy tờ liên quan đến dân cư, xử lý 90% hồ sơ quản lý dân cư trên môi trường mạng tại cấp tỉnh, 80% tại cấp huyện và 60% tại cấp xã.

Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung số hóa thành phần hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nâng cấp thiết bị công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng. Đồng thời, tỉnh chú trọng đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức và phổ biến tiện ích của dịch vụ công trực tuyến đến người dân.

Tỉnh cũng đã tích hợp 431 thủ tục hành chính yêu cầu nghĩa vụ tài chính vào thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Trong quý III/2024, tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 68,9% và cấp kết quả điện tử đạt 70,46%. Theo Bộ chỉ số do Văn phòng Chính phủ công bố, Vĩnh Phúc hiện xếp thứ 33/63 tỉnh, thành về chất lượng phục vụ thủ tục hành chính trực tuyến.

Việc đẩy mạnh số hóa và cải cách hành chính không chỉ giúp giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao sự minh bạch, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Những bước tiến trong ứng dụng công nghệ thông tin tại Vĩnh Phúc đã tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử hiệu quả.

Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trong Đề án 06, tăng tốc triển khai các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần theo chỉ đạo của Chính phủ. Các nỗ lực này không chỉ giúp tỉnh đạt được mục tiêu đề ra mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng một chính quyền hiện đại, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Lê Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực