|
Vĩnh Phúc: Triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo |
Sau 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20, ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các đề tài, dự án ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Lũy kế đến 30/09/2024, toàn tỉnh có 2.260 doanh nghiệp đăng ký tham gia Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến (VPTEX) với gần 4.200 sản phẩm chào bán, 10.423 link liên kết từ các máy tính khác trên internet tìm kiếm các sản phẩm, dây chuyền thiết bị; hướng dẫn và tư vấn cho hơn 1.000 doanh nghiệp qua tổng đài VPTEX. Giá trị giao dịch của thị trường công nghệ thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ hàng năm, nhất là các doanh nghiệp FDI, ước tính tăng trung bình khoảng 16,5%/năm…
Cùng với đó, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng mạng viễn thông truyền dẫn trên địa bàn tỉnh đã được cáp quang hóa 100%, kết nối đến tất cả các xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, làng trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ về công nghệ, quản lý tập trung, trang bị hệ thống bảo mật bảo đảm an toàn an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Trong hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, tỉnh đã cử nhiều cán bộ đi học tập các nước trên thế giới, đặc biệt là hợp tác đào tạo, bồi dưỡng Tiếng Anh cho giáo viên Tiếng Anh các trường THCS và THPT của tỉnh. Đầu tư tài chính cho khoa học và công nghệ những năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp ở nhiều địa phương còn chậm, chất lượng sản phẩm còn thấp, khả năng cạnh tranh thị trường còn hạn chế. Trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp DDI được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao; trình độ khoa học và công nghệ của tỉnh vẫn ở mức trung bình của cả nước; tốc độ đổi mới khoa học và công nghệ còn chậm; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn ở mức trung bình chiếm 70%, công nghệ lạc hậu chiếm 14,9%, công nghệ trung bình tiên tiến 15%...
Định hướng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Vĩnh Phúc tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh; xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo của tỉnh; thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh; phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung như: Giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; giải pháp khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong doanh nghiệp; giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới, sáng tạo nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…
Hội thảo nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt thông qua chuyển đổi số. Việc tiếp tục tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ sẽ giúp người dân tiếp cận gần hơn với thông tin khoa học, từ đó nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.