Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh các giải pháp phát triển ngành thủy sản

Thứ tư, 02/12/2020 14:16
(ĐCSVN) - Mặc dù lĩnh vực thủy sản của tỉnh Vĩnh Phúc chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản, tuy nhiên, đây vẫn là ngành mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng nhu nhập và cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.
 Ảnh minh họa (Ảnh: SN)

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc, trong 5 năm qua, lĩnh vực thủy sản của tỉnh đạt được những kết quả khá quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh. Mặc dù sản xuất thủy sản chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nông - lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh (trên 7%) nhưng đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, sinh kế cho người dân địa phương, đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm cho nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh (khoảng 70% tiêu thụ nội tỉnh).

Nuôi trồng thủy sản của tỉnh hiện khá phát triển với nhiều hình thức nuôi khác nhau như: Nuôi trong ao, đầm, nuôi hồ chứa, nuôi bể, nuôi lồng. Phương thức nuôi bán thâm canh và thâm canh ngày càng được mở rộng (khoảng gần 4.000 ha). Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số khu nuôi tập trung, quy mô lớn như: nuôi cá thâm canh ở Phú Đa, Cao Đại, Tuân Chính huyện Vĩnh Tường, Nguyệt Đức, Liên Châu huyện Yên Lạc,…

Cũng theo Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh không ngừng tăng trong thời gian qua. Năm 2020 sản lượng ước đạt 20.830 tấn, tăng 17% so với năm 2016; năng suất ước đạt 3,1 tấn/ha, tăng 19,2% so với năm 2016. Giá trị sản phẩm thủy sản/1 ha đất ước đạt 170 triệu đồng, tăng 12,8% so với năm 2016, từ đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng nhu nhập cải thiện đời sống cho người dân.

Bên cạnh các đối tượng cá truyền thống, nhiều đối tượng thủy sản mới, có giá trị kinh tế được đưa vào sản xuất như: Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, nuôi cá lóc nhím, chuối hoa trong lồng, cá tầm trong bể, cá rô phi, chép lai...

Riêng với nuôi cá nước lạnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở đang đầu tư nuôi cá tầm. Với địa bàn của tỉnh, cá sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt khá cao bình quân 75-80%, tuy nhiên đầu ra còn gặp khó khăn do cạnh tranh trên thị trường.

Đánh giá của Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như: Việc đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế; sản xuất gặp nhiều rủi ro do thiên tai, thời tiết, dịch bệnh,…

Nhằm phát triển ngành thủy sản của tỉnh trong thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp trọng tâm. Trong đó, tăng cường phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến gắn với chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành để sản xuất các đối tượng có giá trị kinh tế cao, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và an toàn thực phẩm, có khả năng cạnh tranh cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời phát triển khai thác thủy sản một cách hợp lý, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, môi trường sinh thái. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 6.600 ha, sản lượng nuôi trồng đạt 29.500 tấn, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân đạt trên 7%/năm.

Hướng tới các mục tiêu, Vĩnh Phúc xác định phát triển sản xuất thủy sản với các phương thức, hình thức phù hợp như: mở rộng diện tích nuôi thâm canh ở những vùng đồng bằng, nuôi hữu cơ ở những vùng sản xuất 1 lúa, 1 cá; phát triển nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông, hồ chứa lớn; nuôi bể ở những vùng không có nhiều diện tích và nguồn nước thuận lợi. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản, tăng sản xuất các đối tượng có giá trị kinh tế, mang lại hiệu quả cao như cá tầm, lăng, lóc, trắm, chép, rô phi... Bên cạnh đó, quan tâm, xây dựng các sản phẩm thủy sản có chứng nhận, thương hiệu, sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất thủy sản.../.

Minh Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực