Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai đầy đủ, kịp thời và hiệu quả Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, góp phần nâng cao sự hưởng thụ của người dân về các quyền dân sự và chính trị phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội, bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Cùng với đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan và tăng cường hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình triển khai, đảm bảo hiệu quả toàn diện và đồng bộ.
Về nội dung Kế hoạch, thực hiện nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng thuận tiện, an toàn và tăng tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các vi phạm quyền dân sự và chính trị của các cá nhân để đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo. Tăng số lượng các hoạt động trợ giúp pháp lý, đặc biệt là trợ giúp pháp lý cho các đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có nạn nhân của hành vi xâm phạm quyền dân sự và chính trị.
Thực hiện thống kê tình hình thực hiện và đảm bảo quyền dân sự và chính trị, đặc biệt là thống kê các số liệu về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến các vi phạm về quyền dân sự và chính trị. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ và nhân dân các nội dung Công ước quốc tế và các văn bản pháp luật liên quan về quyền dân sự và chính trị.
Về tổ chức thực hiện, căn cứ nội dung nhiệm vụ được phân công, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các sở, ngành, ban, ngành ở tỉnh và UBND các huyện, thành phố, cơ quan có liên quan có trách nhiệm triển khai tại ngành, địa phương hoặc bổ sung, lồng ghép triển khai vào các kế hoạch, chương trình khác liên quan về quyền con người, quyền công dân.
Sở Tư pháp là cơ quan chủ trì, có nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; chủ trì tổ chức tổng kết 4 năm đánh giá việc thực hiện trên địa bàn tỉnh và báo cáo theo chỉ đạo của các cơ quan Trung ương./.