6 tháng đầu 2024, thu chi ngân sách đạt chỉ tiêu, đảm bảo hoạt động ngân hàng, tín dụng

Thứ sáu, 05/07/2024 17:05
(ĐCSVN) – Theo số liệu từ báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ước tổng thu ngân sách của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt 15.535 tỷ đồng, bằng 48,9% dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ, trong đó: thu nội địa ước đạt 13.235 tỷ đồng, bằng 50,2% dự toán và tăng 5,9% so với cùng kỳ.

Quản lý chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ước tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2024 là 8.031 tỷ đồng, đạt 37,5% dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ 2023.

Liên quan tới các hoạt động ngân hàng, tín dụng, tỉnh tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các hoạt động tín dụng, ngân hàng.

 Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn giảm so với cuối năm 2023 (Ảnh: PV)

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn giảm so với cuối năm 2023, cụ thể: lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến từ 0,2-6%/năm đối với từng kỳ hạn, lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến từ 4-10,5%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng.

Tổng nguồn vốn huy động dự kiến tại thời điểm 30/6/2024 đạt 127 nghìn tỷ đồng, tăng 0,62% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân nguồn vốn huy động tăng thấp là do nguồn tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm khi một số doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước hoặc chuyển sang sử dụng dịch vụ của ngân hàng nước ngoài và do một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên không có nguồn tiền nhàn rỗi...

Tổng dư nợ cho vay tại thời điểm 30/6/2024 ước đạt 132 nghìn tỷ đồng, tăng 3,0% so với cuối năm 2023 với số tiền tuyệt đối khoảng 3,8 nghìn tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Tín dụng tăng trưởng thấp do nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của người dân sau Tết Nguyên đán chưa cao, sức hấp thụ của nền kinh tế còn thấp, một số doanh nghiệp trên địa bàn còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường sản xuất, kinh doanh... Cơ cấu dư nợ tập trung vào các hoạt động sản xuất, dịch vụ và đầu tư phát triển (chiếm 86% tổng dư nợ).

Các biện pháp phòng ngừa, xử lý nợ xấu được triển khai tích cực nhằm kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn, đến 30/6/2024 tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn ước chiếm 1,1% tổng dư nợ.

Khải Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực