Cây Thanh long ruột đỏ trên đồng đất Vĩnh Phúc

Thứ tư, 16/06/2010 16:33

 
Với sự thông thương như hiện nay, trên thị trường (kể cả vùng sâu, vùng xa) hàng hoá tràn ngập, đa dạng, hoạt động dịch vụ ngày càng tốt, phục vụ tận nơi người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo cơ chế thị trường cái gì hiếm thì mới quý, mà quý thì mới… đắt. Sản phẩm Thanh long ruột đỏ đang được coi là một mặt hàng hiếm có trên thị trường.

Cuộc cách mạng… phá vườn tạp

Gia đình ông Hà Công Chính, thôn Đồng Núi, xã Vân Trục (Lập Thạch) có hơn 1 ha đất vườn đồi. Trước đây, trên diện tích này gia đình ông trồng mỗi thứ một một tí nào là sắn, bưởi, vải, nhãn, rau, chuối, tre... có đến hàng chục loại cây. Chẳng riêng gì nhà ông, ở đây nhà nào cũng thế. Từ nếp nghĩ đến thói quen truyền thống - tự cung tự cấp, “thôi chẳng mấy khi thu được đồng tiền nhưng được cái thích ăn gì ra vườn thứ nào cũng có. Cần rau nào thì hái, nó hơi cằn nhưng sạch, không thuốc trừ sâu, không phân hoá học. Rồi khi cần cải thiện bữa ăn thì ngoài vườn lúc nào chẳng có vài chục con gà mà có thương hiệu “gà leo núi” đàng hoang. Xem ra mô hình này sướng thật. Nhưng khi cần dăm trăm một triệu để lấy tiền đóng học cho con, hay nhiều hơn cần tích cóp vài ba chục triệu để làm việc này việc khác như sửa gian cửa, gian nhà thì lấy đâu ra? Nhìn vào vài sào ruộng khoán cũng chẳng hơn gì. Ruộng đồng thì manh mún, mỗi ruộng chỉ có dăm, bảy thước nên chỉ để cấy lúa để cả nhà có đủ gạo ăn.

Nhà ông Chính cả thảy có 8 anh chị em hầu hết đều sống thoát ly và thành đạt. Vợ chồng ông sinh sống tại quê cùng với hai cụ già, tuy cuộc sống cũng chẳng thiếu thốn lắm so với vùng đất này nhưng cũng còn nhiều khó khăn. Chính vì thế một “hội nghị” gia đình có đông đủ hầu hết 8 anh chị em: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Trí, Công, Minh, Mẫn và 2 cụ là “quan sát viên” được triệu tập. Bàn đi tính lại để nghĩ cách làm giàu, cuối cùng hội nghị cũng ra được “nghị quyết” cần phải phá bỏ vườn tạp để làm một cái gì đó cho ra tấm ra món. Việc đi đến quyết định phá bỏ sạch trơn đồi vườn để trồng một loại cây khác là cả một cuộc cách mạng. Không chỉ đơn giản là phá đi búi tre, chặt đi cây bưới, cây nhãn, luống rau... mà vấn đề là xoá đi một nếp nghĩ cũ đã lỗi thời thay vào đó là một tư duy kinh tế, một hình thức sản xuất hàng hoá, có hạch toán lỗ - lãi theo cơ chế kinh tế thị trường. Với vài trò là chị gái cả, bà Cần tuyên bố: “Chị sẽ đầu tư vốn ban đầu cho vợ chồng cậu Chính để trồng cây trên diện tích vườn nhà”. Điều quan trong hơn là bà Cần cam kết: “Nếu ăn nên, làm ra thì cậu mợ hoàn lại vốn cho chị. Còn nếu thua lỗ thì... thôi”. Vây nên, ông Chính hoàn toàn yên tâm để thực hiện “nghị quyết” mà “hội nghị gia đình” đã ban hành. Đồng ý phá vườn tạp nhưng trồng cây gì thì còn phải tính.

Thành công từ mày mò thực tế

Ông Chính kể: Cách đây khoảng chục năm, ông xin của những người đi bộ đội về từ vùng Bình Thuận cây Thanh long để trồng chơi chơi ở cổng nhà. Bẵng đi một thời gian, cũng chẳng chăm bón gì, những đến một ngày ông Chính phát hiện cây thanh long ra hoa rồi đậu quả. Từ quan sát đó ông rút ra kết luận: Cây thanh long có vẻ hợp với khi hậu và chất đất nơi đây. Phát hiện này được các anh chị của ông khích lệ. Bà Bùi Thị Én (chị dâu trưởng ông Chính), đang sống ở Hà Nội nghe tin, Viện Giống cây ăn quả miền Bắc đang sản xuất giống cây Thành long ruột đỏ Đài Loan. Từ suy đoán, cây Thanh long ruột trắng Bình Thuận phát triển được thì cây Thành long ruột đỏ Đài Loan chắc cũng sẽ phát triển tốt. Rồi mấy chị em ông Chính tổ chức chuyến thăm quan thực tế, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm bón cây thanh long trong Bình Thuận rồi đi đến quyết định liện hệ với Viện Giống cây ăn quả miền Bắc mua giống Thanh long ruột đỏ về trồng, vì quả Thanh long ruột đỏ ăn ngọt, ngon hơn, giá bán lại đắt gấp ba lần Thanh long đơm hoa ruột trắng. Năm 2007 trồng, đến năm 2008 vườn thanh long nhà ông bắt đầu, bói quả. Năm đó ông thu hoạch được 2 tấn quả nhưng vì Thanh long ruột đỏ là sản phẩm hoàn toàn mới ở Vĩnh Phúc, do đó ông để ăn, cho tặng người thân, khách đến thăm quan để “trình làng” là chính. Đến năm 2009, sản lượng thu được tăng gấp đôi năm trước. Với giá bán từ 20.000 – 35.000 đồng/ kg gia đình ông thu được trên 80 triệu đồng. Năm nay, sản lượng ước đạt 12 tấn/ ha, với thời giá như năm ngoài, sau khi trừ chi phí cũng thu được trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đến năm thứ 5 trở đi cây Thanh long ruột đỏ mới đạt sản lượng cao và ổn định khoảng 40 tấn/ ha. Với số lượng này, theo ông Chính, cũng chỉ cung cấp cho nhân dân vài xã lân cận trong huyện. Và khi đó tính bỏ rẻ là 10.000 đồng/ kg, thì mỗi ha gia đình ông cũng thu được 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cũng còn thu về được 360 triệu đồng. Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân ở các huyện như Tam Đảo, Vĩnh Tường và các tỉnh khác như: Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang cũng về mua giống để trồng. Ngoài tiền bán quả, việc bán giống cũng là một nguồn thu đáng kể cho gia đình ông.

Tôi đặt ra giả thiết, mô hình được nhân ra diện rộng liệu lúc đó có như một số loại quả khác như vải chẳng hạn, bán không hết, cho chẳng có người lấy? Ông Chính giải thích: Cây Thanh long khác hoàn toàn với cây Vải. Cây Vải thu hoạch theo mùa vụ, mỗi năm vào mùa chín thu hoạch ồ ạt trong khoảng mươi, mười lăm ngày. Còn đối với cây Thanh long, mỗi năm ra quả và thu hoạch 8 đợt, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch, bảo quản loại quả này cũng được lâu hơn.

Khi hỏi về cách chăm bón, ông Chính cho biết: Thanh long là họ cây Sương rồng. Do vậy trồng để cho nó sống thì rất dễ, nhưng để thu được năng suất và đạt hiệu quả kinh tế cao thì cần tuân thủ theo một quy trình kỹ thuật nhất định. Điều quan trong là nơi trồng Thanh long đảm bảo dãi nắng, để Thanh long hấp thụ ánh sáng đạt mức tối đa, không ngập úng, nguồn phân hưu cơ dồi dào; Sâu bệnh đối với cây Thanh long hầu như không có, từ khi trồng đến nay, ông chưa phải dùng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Một số loại như kiến lửa, ốc sên, sâu róm nếu có thì bắt bằng tay hoặc xử lý bằng phương pháp thủ công là hết. Do vậy Thanh long ruột đỏ được coi là một loại sản phẩm sạch, được thị trường nhiều nước trên thế giới tin dùng. Việc đầu tư để trồng cây Thanh long so với những loại cây khác là không lớn (gần 150 triệu đồng/ ha, bao gồm 1.000 trụ bê tông và tiền mua giống) và chỉ phải trồng một lần, thu hoạch trong thời gian dài từ 17-20 năm mới phải trồng lại.

Mở rộng diện tích để sản xuất hàng hoá

Ngay sau năm đầu tiên, ông Chính và những người quanh vùng khẳng định Thanh long ruột đỏ Đài Loan là cây làm giàu trên đồng đất Vĩnh Phúc và có thể mở rộng diện tích để sản xuất hàng hoá, đến nay khoảng 20 gia đình trong xã Vân Trục đã trồng và cho thu hoạch. Một số nông dân ở các huyện khác trong tỉnh cũng đã tới thăm quan và học cách trồng, chăm bón. Năm 2008, ông Nguyễn Văn Bạ, ở thôn Đồng Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc đã nhờ ông Chính nhân giống trồng với diện tích hơn 1 mẫu đất ruộng. Là người trực tiếp chăm bón và theo dõi quá trình sinh trưởng của cây Thanh ruột đỏ, ông Bạ cho biết: Cây sinh trưởng tốt, kỹ thuật chăm bón đơn giản, ít tốn công lao động. Diện tích Thanh long của gia đình đang đến mua thu hoạch và sẽ thực hiện nhân giống cho bà con quanh vùng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng đang theo dõi và quan tâm tới việc trồng Thành long ruột đỏ trên địa bàn tỉnh và có chủ trương nhân rộng mô hình, quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và tiến tới xuất khẩu.

Trồng Thanh long ruột đỏ trên địa bàn tỉnh là một mô hình mới. Đối với các hộ sản xuất đảm bảo các tiêu chí về diện tích, liền vùng liền thửa… đề nghị ngành chức năng quan tâm đưa vào danh mục được hưởng chính sách của tỉnh về hỗ trợ vùng sản xuất hàng hoá theo tinh thần Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ và một số nghị quyết của HĐND về việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 để kịp thời khuyến khích nông dân phát triển sản xuất.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực