Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quang Hùng làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Thứ ba, 31/05/2011 10:58

Liên quan đến việc nghiên cứu Đề tài khoa học cấp nhà nước về “Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu”, sáng 30/5, Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội do đồng chí Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Chủ nhiệm Đề tài làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại Vĩnh Phúc. Tiếp Đoàn có đồng chí Phùng Quang Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn tăng với nhịp độ cao. Giai đoạn 2001 – 2010 nhịp độ tăng trưởng đạt 16,5%/năm, cao gấp hơn 2 lần so với bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 14,9%/năm; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng tăng lên 56,2%/năm. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh, từ 30,8% - 41,3%.

Tốc độ tăng thu ngân sách của khu vực FDI trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách, từ 24,4% năm 2000 lên 60,3% năm 2010. Sự tăng trưởng nền kinh tế của Vĩnh Phúc phụ thuộc rất lớn vào tính ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh của khu vực FDI và các hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là sự phát triển của các công ty TOYOTA và Honda Việt Nam. Với một loạt các chính sách được ban hành kịp thời, cùng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, nền kinh tế Vĩnh Phúc đã khắc phục được khó khăn do các yếu tố khách quan và chủ quan mang lại, tạo đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa bền vững; tình trạng lao động thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, tình trạng ô nhiễm môi trường ở cả khu vực thành thị và nông thôn còn bức xúc. Những đóng góp của khu vực FDI vào GDP của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ tập trung đầu tư vào áp dụng mà chưa đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, vẫn dừng ở mức hoàn thiện, lắp ráp sản phẩm là chủ yếu. Hầu hết năng lực tài chính của các doanh nghiệp DDI trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, trình độ công nghệ còn thấp, năng lực quản lý không cao nên các sản phẩm sản xuất khó cạnh tranh với sản phẩm của các doanh nghiệp FDI; việc thu hút lực lượng lao động có tay nghề cao gặp khó khăn do môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ…

Để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào địa bàn, Vĩnh Phúc đã thực hiện các biện pháp trong và sau khủng hoảng năm 2008 – 2009; trong đó, tập trung vào những giải pháp để thực hiện thu hút đầu tư như: Quy hoạch khu công nghiệp, bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, khai thác thị trường, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận với các nguồn vốn đúng pháp luật, đào tạo đội ngũ lao động có trình độ, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 14-15%/năm, Vĩnh Phúc đang khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường, huy động vốn; tăng cường xúc tiến đầu tư, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đào tạo đội ngũ; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ; thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng tình hình của tỉnh Vĩnh Phúc, Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tham gia các ý kiến vào định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011 – 2020; đề xuất một số mô hình, giải pháp về cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư; trong đó, tập trung vào một số mục tiêu chiến lược trên các lĩnh vực du lịch, dịch vụ; chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút vốn…

Đồng chí Phùng Quang Hùng tiếp thu những ý kiến đóng góp của Đoàn công tác và khẳng định, Vĩnh Phúc vẫn đang tìm cho mình một hướng đi phù hợp, trong đó, chú trọng đến các ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp công nghệ cao, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động… Đồng chí mong muốn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Quốc hội và các cơ quan Trung ương trong việc kêu gọi hợp tác đầu tư nước ngoài, đầu tư chiều sâu và đổi mới thiết bị công nghệ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực