Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào những năm 20 của thế kỷ 21, Vĩnh Phúc xác định, phát triển công nghiệp, tạo bước đột phá, nhằm sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Trao đổi xung quanh nội dung này, ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc (ảnh bên) đã khẳng định: Vĩnh Phúc có đủ điều kiện để thực hiện thành công mục tiêu là một tỉnh công nghiệp trong thời gian tới.
PV: Xin ông cho biết lợi thế so sánh với các địa phương khác của Vĩnh Phúc trong lĩnh vực phát triển công nghiệp?
Ông Nguyễn Thành Dũng: Có thể nói, sau 13 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc đã vươn lên như một điểm sáng về phát triển công nghiệp. Một trong những yếu tố quan trọng tiền đề để có được kết quả đó chính là sự kết hợp hài hoà các nguồn lực, phát huy những lợi thế so sánh, khai thác tiềm năng thế mạnh cho phát triển công nghiệp của tỉnh.
Thứ nhất, vị trí địa lý của Vĩnh Phúc có vai trò ảnh hưởng rất quan trọng cho phát triển KT-XH của tỉnh và đặc biệt cho phát triển công nghiệp. Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 50 km, gần sân bay quốc tế Nội Bài và là đầu mối giao thông lớn của cả nước. Điều này đã tạo cho Vĩnh Phúc có lợi thế lớn về giao thương, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; có ưu thế tiếp nhận đầu tư trong và ngoài nước; từ đó có thể tiếp thu khoa học công nghệ hiện đại, trình độ, kinh nghiệm quản trị tiên tiến… Mặt khác, Vĩnh Phúc lại nằm trên tuyến hành lang kinh tế hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cách cảng biển Hải Phòng và cảng nước sâu Cái Lân không xa, do đó có khả năng tham gia mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế nhất là thương mại, du lịch và đầu tư phát triển công nghiệp. Dưới góc độ lợi thế so sánh, điều này đã tạo cho Vĩnh Phúc có một lợi thế chắc chắn cạnh tranh so với các tỉnh khác.
Thứ hai, Vĩnh Phúc nằm trong vùng chuyển tiếp giữa gò đồi trung du với Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trong đó, vùng trung du với quỹ đất không thật màu mỡ cho sản xuất nông nghiệp là điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, bố trí các khu công nghiệp tập trung. Với việc giải quyết được bài toán đất đai một cách nhanh chóng và thuận tiện, Vĩnh Phúc đã có một sức hút rất lớn trong việc thu hút đầu tư. Bắc Ninh cũng có thể là một sự so sánh tương đương, trong khi đó Hà Tây hay Hưng Yên khó có được điều này.
Thứ ba, dân số Vĩnh Phúc năm 2009 khoảng 1,00 triệu người, với mật độ dân số 814 người/km2; lao động trong độ tuổi chiếm 63,5% tổng dân số; tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp có xu hướng giảm mỗi năm khoảng 3,6% và tăng lên trong các ngành công nghiệp, dịch vụ. Nhưng với lực lượng lao động hiện có, Vĩnh Phúc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp đòi hỏi trình độ cao. Với nguồn lao động dồi dào, cùng hệ thống trên 20 trường đại học, trung học và đào tạo nghề đã được hình thành, đây chính là điểm nhấn quan trọng trong quá trình phát triển công nghiệp của Vĩnh Phúc.
Phát huy và khai thác tốt những lợi thế này, Vĩnh Phúc sẽ trở thành một cực phát triển đối trọng, giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của cả vùng Đồng bằng Sông Hồng.
PV: Cơ chế, chính sách của tỉnh tạo đà phát triển lĩnh vực này? Kết quả đã đạt được?
Ông Nguyễn Thành Dũng: Với quan điểm, tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng nhằm tạo ra sự tăng trưởng cao của nền kinh tế. Do đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp và được biết đến như là một điển hình về sự vươn lên từ một tỉnh thuần nông đang trên đà phát triển thành một tỉnh công nghiệp. Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đầu tư đúng hướng, phù hợp với các chương trình của Chính phủ, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng chiến lược đẩy mạnh phát triển công nghiệp và coi đây là bước đi cơ bản lâu dài để làm giàu cho Vĩnh Phúc; công tác quy hoạch luôn đi trước một bước, thực hiện tốt công tác quy hoạch các đô thị, các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp - TTCN làng nghề. Có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và làng nghề; chính sách ưu tiên, ưu đãi, thu hút nhân tài và cùng với đó là sự hỗ trợ của Chính phủ, của các Bộ ngành TW đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn cho Vĩnh Phúc, góp phần phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp của tỉnh.
Vận dụng đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tiễn của địa phương trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đã tạo cho công nghiệp Vĩnh Phúc có bước chuyển mình nhanh chóng, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thu hút và giải quyết việc làm cho người lao động, tạo việc làm cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, tăng thêm của cải vật chất cho xã hội. Năm 2010, giá trị SXCN đạt 41.461 tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2009, tăng gấp 2,8 lần so với năm 2005; tăng trưởng bình quân 5 năm 2006-2010 về giá trị SXCN là 23,34%/năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp là 18,5%/năm; một số sản phẩm chủ yếu luôn duy trì sản xuất và tăng trưởng ổn định như ô tô, xe máy các loại, gạch ốp lát...; các thành phần kinh tế đã có sự điều chỉnh phù hợp; điều kiện hạ tầng cho phát triển công nghiệp đã và đang tiếp tục được tập trung nguồn lực đầu tư. Trong số 20 KCN trên địa bàn tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam với tổng diện tích 6.038 ha, hiện có 9 KCN với tổng diện tích trên 2.541 ha được thành lập và đầu tư hạ tầng thu hút các dự án vào đầu tư sản xuất; ngoài ra, 16 cụm công nghiệp đã được thoả thuận địa điểm đầu tư với tổng diện tích quy hoạch là 525,81 ha nhằm thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất ở các làng nghề. Chương trình khuyến công, khôi phục phát triển tiểu thủ công nghiệp làng nghề được đẩy mạnh. Tính đến nay, tỉnh đã công nhận 22 làng nghề, 8 nghệ nhân và 106 thợ giỏi cấp tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 100% xã, phường thị trấn được phủ lưới điện quốc gia, tỷ lệ số hộ được dùng điện lưới đạt 100%.
Để tạo đột phá cho sự tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững cần có những giải pháp gì để phát triển lĩnh vực công nghiệp trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Thành Dũng: Trước mắt, ngành công thương đang tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Cụ thể hoá nội dung, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV.
Để tạo đột phá cho sự tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững, trong thời gian tới, ngành tập trung một số nhiệm vụ giải pháp cơ bản cho lĩnh vực công nghiệp như sau:
Một là, Hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống quy hoạch ngành trên cơ sở Quy hoạch kinh tế xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị, phù hợp với yêu cầu tình hình mới. Tiếp tục quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp; thu hút đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã cơ bản được đầu tư hạ tầng. Đồng thời tích cực triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chủ động quỹ đất cho phát triển công nghiệp;
Hai là, Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các tập đoàn kinh tế lớn, khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, các sản phẩm có hàm lượng chất xám, có giá trị gia tăng cao; ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp chủ lực có lợi thế so sánh, công nghiệp hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu và các ngành nghề truyền thống;
Ba là, Tăng cường công tác quản lý môi trường, thực hiện nghiêm chỉnh luật bảo vệ môi trường. Đầu tư các dự án cải tạo và bảo vệ môi trường, đổi mới áp dụng công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp;
Bốn là, Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở quy hoạch phát triển công nghiệp, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài cho phát triển công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ;
Năm là, Nghiêm chỉnh thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, vừa bảo đảm tính bền vững, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy, Vĩnh Phúc có lợi thế và tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp. Vấn đề ở chỗ, cần định hướng quy hoạch phù hợp để bảo đảm phát triển bền vững, vừa tích cực giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp ngày càng nhiều vào sự tăng trưởng chung của tỉnh; đồng thời hạn chế tối đa tác động bất lợi đối với môi trường. Có như vậy, tin rằng Vĩnh Phúc “đến năm 2015 tỉnh có đủ các yếu tố cơ bản của một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020” đúng như mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã đề ra.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!