Thứ năm, 13/05/2010 19:35 (GMT+7)
Đất bãi sông Lô, đoạn chảy qua xã Đức Bác huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đang bị "đào khoét" tan hoang với tốc độ gia tăng vì tình trạng khai thác cát trái phép, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền địa phương.
Người dân địa phương cho biết: Đoạn sông dài chưa đến 2 km chảy qua địa bàn xã có tới hàng trăm tàu thuyền trọng tải lớn nhỏ đêm ngày “đào bới” khai thác cát. Ban ngày tránh lực lượng kiểm tra và người dân phát hiện, các tầu thuyền ra giữa sông khai thác cát non, đêm đến khi lực lượng tuần tra nghỉ, người dân đi ngủ, tầu thuyền từ đâu nối đuôi kéo vào bờ "đào khoét" khai thác cát già tại những khu vực đất bãi. Vùng quê hẻo lánh ven sông Lô trở nên hỗn loạn. Đất bãi, lòng sông bị đào khoét tan hoang. Các bãi sỏi, đá chất ngất nối dài, đôi bờ sông lở lói, nước lúc nào cũng đục ngầu loang lổ dầu, mỡ...
Ông Lê Khắc Ánh Chủ tịch UBND xã Đức Bác cho biết: Theo thống kê, thời gian gần đầy trên 1 ha đất bãi nông nghiệp trồng 3 vụ màu của toàn xã đã bị đào bới trái phép để khai thác cát, gây sạt lở nghiêm trọng đến chân đê, ảnh hưởng lớn đời sống kinh tế của người dân. Hiện nay, đoạn sông Lô chảy qua địa bàn xã Đức Bác là do Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Vĩnh Phúc hoạt động khai thác cát. Công ty này là đơn vị duy nhất được tỉnh cấp phép “thăm dò và khai thác khoáng sản” chủ yếu là cát, sỏi trên địa bàn. Tuy nhiên, do Công ty này trước đây không hợp tác với xã cắm mốc giới rõ ràng để xác định diện tích khai thác, nên đã xảy tình trạng khai thác cát cả vào vùng đất bãi nông nghiệp của người dân... Ngoài ra, đoạn sông này còn bị hàng chục cơ sở khác đến khai thác cát trái phép, khiến cho tình trạng đất bãi ngày càng bị xâm lấn sâu... Bên cạnh đó, hàng trăm hộ dân chỉ vì chút lợi ích kinh tế đã tự ý bán đất bãi cho các cơ sở để khai thác cát. Việc mua bán đất này là trái pháp luật, không được sự đồng ý của UBND xã cho phép khai thác và chuyển đổi mục đích sử dụng.
Lực lượng công an xã, các ban ngành hàng ngày tuần tra phục kích vây bắt, tuy nhiên do lực lượng mỏng không thể kiểm soát nổi. Anh Bùi Anh Dũng lực lượng tuần tra của xã cho biết: Với thủ đoạn là áp sát hoặc đỗ thuyền ở giữa dòng, nơi “biên giới” giao nhau giữa hai xã rồi cho vòi hút vươn sang khu vực chân đất sản xuất nông nghiệp của dân ở hai bên. Khi thoáng thấy đoàn người bên này đi kiểm tra thì họ dạt sang bên kia, rất khó bắt. Đấy là chưa kể, các chủ thuyền cát thông tin cho nhau rất nhanh. Khi thấy có “động” là gọi điện báo ngay, cho nên không dễ gì bắt được. Có ngày bắt xử lý được vài trường hợp nhưng thẩm quyền của xã chỉ xử phạt ở mức từ vài trăm đến vài triệu đồng/trường hợp không đủ sức dăn đe. Bắt hôm trước, hôm sau lại phải thả. Hiện giờ đất bãi bồi của xã bị mất giống như hình chiếc liềm. Dần dần lưỡi liềm sẽ thẳng như lưỡi dao, mất bãi, đánh trực tiếp vào chân đê, hậu quả không chỉ dừng lại ở hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước sẽ bị mất…
Theo tính toán mỗi thuyền bình thường chỉ trong 2 giờ cũng có thể hút được từ 10- 15m3 cát sỏi, với giá bán từ 50.000-60.000 đồng/m3, bán được từ 400.000- 900.000 đồng. Một thuyền có thể hút 2- 3 chuyến/ngày, thu về 1- 2 triệu đồng. Siêu lợi nhuận khiến nhiều hộ trở nên liều lĩnh, manh động. Sự xuất hiện của lực lượng công an xã, cũng như chính quyền xã không làm họ bận tâm. Hàng ngày diện tích đất nông nghiệp bị mất dần theo bờ sông, làm cho hoa mầu như: Bí, ngô, đỗ, lạc của nhân dân bị sập xuống sông. Nhu cầu cát sỏi thị trường ngày một tăng. Nếu không xử lý thật nghiêm minh ngay từ đầu để bảo vệ lợi ích của dân và tài nguyên của đất nước thì việc khai thác cát sỏi không chỉ tại xã Đức Bác mà cả các xã khác cũng ngày càng diễn biến phức tạp./.