Trong gần cả nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh cũng như nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XIV, Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân luôn là vấn đề được quan tâm. Đây là Nghị quyết có nội dung rộng, liên quan nhiều lĩnh vực và được sự quan tâm của Trung ương, của nhiều tỉnh bạn.
Qua 4 năm triển khai Nghị quyết, kết quả bước đầu đã tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Để thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành 15 Nghị quyết, ngoài ra có 4 Nghị quyết ban hành trước. UBND tỉnh đã phê duyệt thực hiện 15 chương trình, đề án, dự án để các sở, ban, ngành có cơ sở chủ trì thực hiện nội dung Nghị quyết.
Xác định ý nghĩa của việc nâng cao kiến thức cho nông dân, tỉnh có đề án và đã mở 1.900 lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho trên 175.000 lượt nông dân, huấn luyện nghề ngắn hạn cho 72.903 lượt nông dân; xây dựng 121 điểm cung cấp thông tin cho nông dân. Bước đầu cho thấy, đại bộ phận nông dân có chuyển biến về nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, kinh doanh; định hướng rõ hơn việc lựa chọn ngành nghề, việc làm phù hợp, năng động trong nền kinh tế thị trường, nâng cao năng lực quản lý kinh tế hộ, quản lý trang trại, phòng chống dịch bệnh
Mỗi năm, toàn tỉnh sản xuất khoảng 3 nghìn tấn lúa giống, 50 tấn ngô giống; 150 ngàn lợn giống ngoại, 7,5 - 8 triệu gà con giống công nghiệp...phù hợp với nội dung Chương trình giống Quốc gia, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Hình thành các vùng tập trung sản xuất hàng hóa với gần 14 nghìn ha, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, bước đầu tạo được tư duy sản xuất hàng hóa, gắn thị trường với sản phẩm đặc trưng của địa phương như: bí đỏ Vĩnh Tường; gạo Long Trì, dưa chuột An Hoà (Tam Dương); su su Tam Đảo; lúa chất lượng cao Yên Lạc, Vĩnh Tường,...
Với phương châm giảm đóng góp, tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong số địa phương đi đầu về đầu tư hạ tầng cơ sở cho sản xuất, thực hiện miễn, giảm thủy lợi phí. Trong những năm qua, toàn tỉnh đã kiên cố được trên 538,3 km kênh mương đảm bảo việc dẫn nước tưới và giảm 2/3 về thời gian, tiết kiệm trên 50% nước. Đã xây dựng xong bản đồ tưới, hiện nay có 4.500 ha/5.300 ha khó khăn nguồn nước đã được tưới tiêu chủ động. Việc miễn giảm thủy lợi phí đã được nông dân đồng tỉnh ủng hộ vì có tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nông dân, khẳng định niền tin của nông dân vào chủ trương chính sách của tỉnh.
Cũng trong hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 03, toàn tỉnh đã kiên cố hoá được 2.514 km/3.562 km giao thông nông thôn, nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông của tỉnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.Việc hình thành các tuyến xe buýt đã kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là lao động nông thôn làm việc tại các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị; góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Cùng với việc đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế, Nghị quyết 03 còn xác định mục tiêu đầu tư, chăm lo đến các lĩnh vực xã hôi, chính sách với hộ nghèo, người nghèo. Trong đó có việc hỗ trợ giáo dục mầm non; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư tốt hơn. Chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Đội ngũ giáo viên được đào tạo theo chương trình chuẩn hóa. Phương pháp dạy và học không ngừng được đổi mới.
Các chương trình, chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm, tập trung vào việc xóa nhà tạm, giảm hộ nghèo, giải quyết vay vốn, hỗ trợ người nghèo mua BHYT, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí, hỗ trợ học phí học nghề, xây dựng nhà Đại đoàn kết, cải tạo nguồn nước sinh hoạt, giải quyết đất ở... là những chính sách có tác dụng thiết thực với người lao động, người nghèo, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững.
Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy được HĐND tỉnh cụ thể hóa bằng các Nghị quyết quy định số lượng, mức hỗ trợ cho một số chức danh hoạt động ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và hỗ trợ hoạt động cho tổ dân phố, tổ hoà giải và tổ liên gia tự quản ở cơ sở; về chuẩn quốc gia y tế xã giai đoạn 2005-2010 và việc hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn, bản;về xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, đơn vị văn hoá giai đoạn 2006 - 2010; chương trình khuyến công và phát triển làng nghề giai đoạn 2006-2010; hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu cho các xã, phường, thị trấn khi Nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng; hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình và cá nhân khi nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng...các chủ trương chính sách trên đã có tác dụng tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Trong những lần thăm và làm việc tại Vĩnh Phúc, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đều có nội dung đề cập đến việc triển khai và kết quả thực hiện 03 của Vĩnh Phúc. Một số kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Vĩnh Phúc như quan điểm phát triển công nghiệp để tạo ra nguồn lực đầu tư trở lại phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn đã trở thành cơ sở lý luận và thực tế để Trung ương xây dựng các chính sách lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.