Đồng chí Trần Văn Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, thời gian qua, thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ngành,UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, gắn với việc đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lồng ghép thực hiện các nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em; tạo điều kiện để trẻ được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, luyện tập thi đấu thể thao và tham gia các hoạt động du lịch một cách an toàn, lành mạnh, hiệu quả. 100% các huyện, thành phố xây dựng Ban chỉ đạo, kế hoạch tổ chức triển khai các hoạt động nhân kỷ niệm ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (52/11).
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 135 mô hình Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 707 địa chỉ tin cậy và 229 đường dây nóng nhằm can thiệp, hỗ trợ trong công tác phòng chống bạo lực gia đình. Từ năm 2015 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch mở 7 lớp tập huấn cho các đối tượng là lãnh đạo, cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện, thành phố, công chức 137 xã, phường, thị trấn, chủ nhiệm các câu lạc bộ Gia đình Phát triển bền vững và Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy, đường dây nóng.
Theo thống kê, từ năm 2015 đến 2019, toàn tỉnh phát hiện 967 vụ bạo lực gia đình. Trong đó có 603 vụ bạo lực thể xác, 289 vụ bạo lực tinh thần, 61 vụ bạo lực kinh tế, 14 vụ bạo lực tình dục. Trong số đó, có 40 trường hợp trẻ em bị xâm hại liên quan đến bạo lực gia đình, chiếm 4,1%. Nguyên nhân do công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa hiệu quả; nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, người dân trong cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ. Nhiều trẻ em chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục. Sự thiếu hiểu biết về pháp luật, lối sống thiếu trách nhiệm của một số gia đình cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ ngay trong chính gia đình của mình. Vai trò, trách nhiệm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch đánh giá thêm công tác tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; xem xét đưa ra số liệu chính xác về số vụ xâm hại; đánh giá kết quả tình hình trẻ em, xâm hại trẻ em trong lĩnh vực du lịch; công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình; trách nhiệm của cấp huyện, cấp cơ sở hiện nay trong lĩnh vực này. Ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng cần đánh giá thêm công tác quản lý kinh doanh dịch vụ internet bởi hoạt động này tác động đến nhận thức, đạo đức của trẻ em; đánh giá tiêu chí, công tác quản lý đối với kinh doanh hoạt động bể bơi trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Làm rõ số liệu về xâm hại trẻ em, tình trạng bạo lực học đường, công tác giáo dục trẻ em, trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong lĩnh vực này; số trẻ em đi ăn xin ở các khu du lịch và các dịp tổ chức lễ hội, để có giải pháp khắc phục kịp thời; nghiên cứu đưa nội dung phòng chống xâm hại trẻ em, bảo vệ chăm sóc trẻ vào quy định các hương ước khu dân cư, làng, bản. Đồng thời, đánh giá kết quả hằng năm trong thực hiện Tháng hành động vì trẻ em; việc lồng ghép công tác thanh tra, kiểm tra trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ và quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương; nguồn kinh phí để thực hiện công tác này thời gian qua.
Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Trần Văn Tiến đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tiếp thu ý kiến các đại biểu, bổ sung, hoàn thiện nội dung báo cáo, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em hiện nay. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, tổ chức, UBND các huyện, thành phố trong công tác này để kịp thời giải quyết các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ. Tham mưu UBND tỉnh bố trí đầy đủ nguồn kinh phí để nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác này.
Buổi chiều, dưới sự chủ trì của Phó Trường Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại Sở Lao động, Thương binh & Xã hội. Cùng dự có các đồng chí: Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Trần Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 309.600 trẻ dưới 16 tuổi, chiếm khoảng 26,8% tổng dân số. Trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi chiếm 11,6%; có 206 trẻ đang trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường phải tham gia lao động và hơn 3.500 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Theo thống kê của Công an tỉnh, từ 1/1/2011 đến 30/6/2019, toàn tỉnh xảy ra 134 vụ xâm hại trẻ em với 136 trẻ bị xâm hại. Hành vi xâm hại trẻ em chủ yếu là xâm hại tình dục, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại phần lớn có mối quan hệ với nạn nhân, có trường hợp đối tượng xâm hại chính là bố đẻ, bố dượng, cậu ruột, bạn thân của bố, mẹ trẻ, hàng xóm. Các đối tượng xâm hại thường lợi dụng sự non nớt về thể chất, tinh thần, nhận thức của trẻ; sự chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; lợi dụng mối quan hệ gần gũi để lợi dụng dụ dỗ, ép buộc xâm hại trẻ. Tính chất các vụ việc xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng phức tạp, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, tác động tiêu cực đến tâm, sinh lý của trẻ.
Thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, từ năm 2015 đến 30/6/2019, UBND tỉnh đã ban hành 16 văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thứ, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em được đẩy mạnh; công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ được quan tâm đúng mức. Từ năm 2015 đến 2018, toàn tỉnh xây dựng được 110/137 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 17/137 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 105/137 xã phường, thị trấn có sân vận động, nhà luyện tập thể dục thể thao; 1.041/1.072 thôn đạt chuẩn nông thôn mới có đầy đủ các hạng mục phục vụ vui chơi cho trẻ em và sinh hoạt của nhân dân. Trong 3 năm, tỉnh dành 63,35 tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ công tác trẻ em, trong đó, 10,8 tỷ đồng cho trẻ em 9 huyện, thành phố và hơn 20 tỷ đồng cho công tác trẻ em của 137 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, nguồn vốn vận động từ cộng đồng hơn 14 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện Vĩnh Phúc chưa có chính sách riêng đối với những người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã; chưa có quy trình cụ thể về phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, nên việc triển khai, xử lý đối với các trường hợp trẻ bị bạo lực, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trên địa bàn đôi khi chưa thực hiện đồng bộ giữa các sở, ngành.
Sở Lao động, Thương binh & Xã hội đề nghị Quốc hội có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn đối với công tác xét xử của Tòa án nhân dân các cấp, đặc biệt là tăng cường giám sát đối với việc giải quyết các vụ án xâm hại, bạo lực trẻ em nhằm bảo đảm các vụ án được diễn ra khách quan, đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người bị hại, tránh bỏ lọt tội phạm, gây bức xúc dư luận. Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách về bảo vệ trẻ em vào việc xử lý các vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh; ưu tiên ngân sách cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; ban hành chính sách xây dựng mạng lưới đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và có quy định hỗ trợ rõ ràng cho đội ngũ này. UBND các huyện, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ nói riêng; rà soát, kiện toàn lại tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em cấp huyện, cấp xã; bố trí cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ em và xây dựng mạng lưới cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ tại cơ sở.
Các đại biểu đề nghị Sở Lao động, Thương binh & Xã hội đánh giá về nguồn nhân lực công tác trong lĩnh vực trẻ em hiện nay; vai trò quản lý nhà nước của cấp huyện, cấp xã trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung, công tác phòng, chống xâm hại trẻ nói riêng; những khó khăn, vướng mắc, bất cập của hệ thống cộng tác viên cơ sở. Đồng thời, bổ sung đánh giá về tình trạng trẻ em bị xâm hại, việc sử dụng lao động là trẻ em hiện nay trên địa bàn. Cho rằng số liệu không phản ánh được thực chất vấn đề xâm hại trẻ hiện nay, nhiều đại biểu cho rằng, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội cần phân tích cụ thể các hành vi xâm hại, có so sánh với các địa phương khác trong cả nước; nghiên cứu các giải pháp nâng cao công tác phòng chống xâm hại trẻ trong thời gian tới. Đẩy mạnh hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là trẻ em và tăng cường xét xử lưu động các vụ việc xâm hại trẻ em.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Trần Văn Tiến đề nghị ngành Lao động, Thương binh & Xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng; chủ trì phối hợp với các cơ quan, chính quyền các cấp nắm bắt tình hình và giải quyết các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác này; có cơ chế hoạt động đối với đội ngũ báo cáo viên các cấp; bố trí nguồn kinh phí phù hợp bảo đảm các hoạt động phòng chống xâm hại trẻ em.