Đưa Vĩnh Phúc sớm trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội

Thứ năm, 26/05/2011 09:31

 

 Bản đồ tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh:baoxaydung.com.vn)

(ĐCSVN) – Đây là mục tiêu được tỉnh Vĩnh Phúc đặt ra với việc tập trung vào phát triển đô thị và dịch vụ theo hướng hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh cũng như tận dụng tối đa lợi thế để đạt tốc độ tăng trưởng bền vững, triển khai hiệu quả công cuộc CNH, HĐH tỉnh…

Có lợi thế về địa kinh tế và văn hóa

Tỉnh Vĩnh Phúc thuộc Vùng đồng bằng Sông Hồng - vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ; địa giới giáp Thủ đô Hà Nội; có đủ 3 vùng cảnh quan sinh thái: đồng bằng, trung du và miền núi; có dãy núi Tam Đảo và khu rừng nguyên sinh trên 100 nghìn héc ta. Đây cũng là tỉnh đóng vai trò đầu mối các tuyến giao thông: đường bộ, đường sắt, đường hàng không quốc gia, quốc tế, gần sân bay quốc tế Nội Bài.

Vĩnh Phúc còn được biết đến là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời, với hàng trăm di tích lịch sử-văn hóa gắn với các địa danh nổi tiếng. Người dân Vĩnh Phúc có truyền thống lao động cần cù, hiếu học, thông minh và sáng tạo.

Với lợi thế về địa kinh tế và văn hóa, từ khi tái lập tỉnh đến nay (1997- 2011), Vĩnh Phúc đã có bước tiến nhanh và đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân đạt trên 17% năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; năm 2009 công nghiệp xây dựng chiếm 58,3%, dịch vụ 28,4 %, nông lâm nghiệp, thuỷ sản chỉ còn dưới 14%. Giá trị sản suất công nghiệp năm 1997 xếp thứ 45, năm 2009 xếp thứ 7 trong cả nước. Thu ngân sách hiện nay chiếm thứ 8 cả nước, xếp thứ 2 cả nước về thu nội địa. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn ở nhóm "rất tốt", năm 2008 xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Đến hết tháng 3 năm 2010, toàn tỉnh đã thu hút được 480 dự án đầu tư trực tiếp, tổng vốn đăng ký gần 3,5 tỷ USD, trong đó có 111 dự án FDI đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, vốn đăng ký trên 2 tỷ USD. Về văn hoá- xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Thành tựu trên có đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chính sách của tỉnh Vĩnh Phúc luôn nhất quán và quan tâm cải cách thủ tục hành chính để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao, sớm thu hồi vốn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất tại Vĩnh Phúc.

Khai thác, phát huy tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế

Bằng những hành động cụ thể, tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, nhất là đẩy mạnh công tác quy hoạch và chuẩn bị đầu tư; tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển khu đô thị, dịch vụ, du lịch; giải quyết kịp thời kiến nghị và thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện cơ chế ưu đãi đầu tư… nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Tuy vậy, tỉnh cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức phải khắc phục trong phát triển kinh tế như cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực…

Vĩnh Phúc đã xây dựng mục tiêu chiến lược là “Phấn đấu có đủ các yếu tố cơ bản của một tỉnh công nghiệp vào năm 2015 và trở thành Thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI”. Mục tiêu đó xác định tỉnh Vĩnh Phúc phải khai thác và phát huy tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế.

 

 Ngày càng nhiều các dự án đầu tư vào Vĩnh Phúc (Ảnh:lantoday.net)

Với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc - Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh”, tỉnh Vĩnh Phúc tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư và sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tỉnh đã quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020 với 23 khu, diện tích 8 nghìn héc ta; ưu tiên đến phát triển công nghiệp cơ khí ô tô, xe máy; công nghiệp điện tử công nghệ cao; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và vật liệu nhẹ; công nghiệp truyền thống, trong đó chú ý công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; đồng thời, phát triển đô thị và dịch vụ theo hướng hiện đại, đưa Vĩnh Phúc sớm trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội.

Thời cơ và vận hội mới

Sau ngày tái lập, Vĩnh Phúc hội tụ khá nhiều yếu tố thuận lợi cho quá trình phát triển. Song tại thời điểm 1997, xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh rất thấp, kinh tế thuần nông, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 52,54% giá trị GDP, công nghiệp chiếm 12,86%; thu nhập bình quân đầu người gần 140USD, thu ngân sách dưới 100 tỷ đồng... Nắm bắt thời cơ, vận hội, khai thác lợi thế, không ngừng đổi mới, trong từng năm, từng thời điểm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chọn và xác định đúng, trúng hướng đi phù hợp, đồng thời, chỉ đạo quyết liệt, khai thác, huy động các nguồn lực tập trung thúc đẩy, nâng dần chất lượng tăng trưởng kinh tế, đi đôi với xây dựng đời sống văn hoá, đảm bảo an sinh xã hội.

Vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào tình hình cụ thể của địa phương, sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế của tỉnh liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, với những con số đầy sức thuyết phục. Bình quân tăng trưởng 10 năm (1997 - 2007) là 15,4%; 3 năm (2006 - 2008) tăng bình quân 20,42%, vượt xa mục tiêu đề ra (14 - 15%/năm); năm 2008 đạt mức 14,78%. Năm 2009, tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng cao, trên 8%.

Điểm nhấn của bức tranh kinh tế trong suốt những năm qua, đó là sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng cơ cấu kinh tế, theo đó, tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ tăng từ 52,4% (năm 2005) lên 58,8% (năm 2008); nông - lâm nghiệp - thuỷ sản giảm từ 20,7% xuống còn 18,05%; năm 2009, công nghiệp - xây dựng - dịch vụ chiếm 84,7%, nông nghiệp còn 12,7%.

Dấu ấn của nhịp độ tăng trưởng ngày càng cao đã và đang khẳng định rõ hơn vai trò nền tảng của kinh tế công nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 1997 - 2000 tăng 75,7%, từ 2001 - 2006 đạt 23%, từ 2006 - 2008 tăng bình quân 34,12%, riêng năm 2009, trong điều kiện rất khó khăn vẫn đạt ở mức 34.429,7 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ. Điều đáng nói, cùng với sự đột phá tăng trưởng công nghiệp, trong tỉnh đã hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực (ô tô, xe máy, may mặc...), công nghiệp có lợi thế so sánh phát triển nhanh, bước đầu phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao tạo được một số sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh trong nước, khu vực và thế giới. Điểm xuyết trong bức tranh công nghiệp ấy, đó là sự thành công, tạo tiền đề trong công tác quy hoạch tổng thể 13 khu công nghiệp tập trung, 24 cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, với 20 làng nghề truyền thống. Đến nay, tỉnh đã thu hút hơn 445 dự án đầu tư, có trên 170 dự án FDI, 338 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký gần 3 tỷ USD.

Nếu như công nghiệp tạo bước đột phá cho sự tăng trưởng, thu ngân sách, thì nông nghiệp Vĩnh Phúc được quan tâm đầu tư thích đáng, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình CNH, HĐH. Vĩnh Phúc là địa phương đi đầu trong cả nước có Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, đề án, dự án để triển khai thực hiện nghị quyết, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân như: miễn thuỷ lợi phí cho nông nghiệp; hỗ trợ giáo dục mầm non; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, cung cấp thông tin cho nông dân; hỗ trợ vùng trồng trọt và xây dựng khu sản xuất tập trung; đầu tư kiên cố hoá kênh mương; cấp đất dịch vụ; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề... kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh cho khu vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 1.000 tỷ đồng; đến năm 2015 khoảng 2.000 tỷ đồng. Cùng với sự phát triển của công nghiệp - nông nghiệp, các ngành dịch vụ và đặc biệt, một số loại hình dịch vụ chất lượng cao đang hình thành, giá trị sản xuất tăng bình quân 19,7%/năm, giá trị tăng thêm 19,35%. Doanh thu các ngành vận tải, du lịch, bưu chính, viễn thông, ngân hàng đều tăng mạnh, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

Sự tăng trưởng của các ngành kinh tế là cơ sở quan trọng, là yếu tố đảm bảo ngày càng vững chắc để những năm qua, tạo cho Vĩnh Phúc có mức thu ngân sách nhà nước liên tục tăng nhanh, trong đó, thu nội địa chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng ổn định. Tốc độ tăng thu ngân sách đạt trên 39% năm, trong đó, thu nội địa chiếm khoảng 80%. Từ năm 2004, tỉnh đã cân đối được ngân sách và có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Năm 2009, thu ngân sách đạt trên 10 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư xã hội tính đến năm 2008 đạt trên 32.000 tỷ đồng, năm 2010, dự kiến lên 50 - 55 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 26,4%/năm, trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chiếm trên 20%; thu nhập bình quân đầu người từ 140USD (năm 1997) tăng hơn 1.400USD năm 2009. Đó là những con số cực kỳ ấn tượng tại thời điểm không ít khó khăn đối với các nền kinh tế như hiện nay.

Việc quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nông thôn mới, quy hoạch phát triển ngành, vùng, từng lĩnh vực, từng địa phương được quan tâm đặc biệt. Tỉnh đã chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị - công nghiệp, định hướng phát triển đến năm 2025. Cùng với công tác quy hoạch, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp, nhất là giao thông. 97% tuyến đường tỉnh lộ, 63,4% tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp, cứng hoá.

Không chỉ phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, từng bước kết hợp hài hoà với tăng trưởng kinh tế.

 

 TP Vĩnh Yên đang ngày càng phát triển .
(Ảnh:
www.vhttdlvinhphuc.vn)

Giáo dục - đào tạo của tỉnh luôn khẳng định được vị thế nổi trội trong toàn quốc, phát triển ổn định, vững chắc. Giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên được đầu tư. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông thường xuyên cao hơn bình quân chung cả nước; tỷ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm đạt trên 30%, có 215 sinh viên/1 vạn dân. Từ 1998 đến nay, liên tiếp tỉnh có học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi olimpic quốc tế và khu vực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2009, đạt 46%, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho gần 25 nghìn lao động. Toàn tỉnh có 95% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã và 85% có bác sỹ. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi xuống còn 16,5%. Công tác giảm nghèo được thực hiện lồng ghép với nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, do vậy, số hộ nghèo bình quân giảm 2,68%/năm, hiện nay, còn 8,3%. Toàn tỉnh đã xoá trên 5.000 ngôi nhà tranh, tre, nứa lá dột nát cho các hộ nghèo. Đến nay, hầu hết các xã đều có nhà văn hoá, số gia đình văn hoá đạt trên 80%, thôn, làng, khu phố văn hoá đạt trên 65%.

Vững bước tự tin trên chặng đường mới

Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc xác định “Tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng và tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững”. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt ra mục tiêu: Hoàn thành đồng bộ hệ thống quy hoạch tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc với quy mô 328,6km2 (đến năm 2030 và tầm nhìn 2050); tập trung 26 công trình trọng điểm xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy về nông nghiệp nông thôn, nông dân; đảm bảo hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng gắn với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tạo nền tảng vững chắc để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp...

Vĩnh Phúc hôm nay đã và đang trên đà phát triển, với những thành tựu đã đạt được trong các năm qua, tin rằng đó là điểm tựa vững chãi để Vĩnh Phúc vững bước và tự tin trên chặng đường mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu có, phồn vinh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực