Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề ở Vĩnh Tường

Thứ tư, 17/03/2010 08:43
Vĩnh Tường hiện có 7 làng nghề (LN) đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó có 4 LN mộc: Vân Giang, Văn Hà, Bích Chu, Thủ Độ và các làng: rèn Bàn Mạch, rắn Vĩnh Sơn, cơ khí - vận tải đường thuỷ Việt An. Tại các xã có LN truyền thống đã thực hiện xong công tác quy hoạch tổng thể khu LN tập trung được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Từ năm 2008 đến nay, mặc dù gặp khó khăn về vốn kinh doanh và biến động phức tạp của giá vật tư, nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm... nhưng các LN ở Vĩnh Tường vẫn duy trì được sản xuất và có bước phát triển. Số gia đình, cơ sở sản xuất TTCN và lao động làm nghề trong các LN ngày càng tăng. Các LN có hơn 5.000 lao động, thu nhập bình quân 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất của các làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm. Bốn LN mộc có từ 51,4% - 89,2% lao động làm nghề. LN cơ khí - vận tải Việt An (xã Việt Xuân) có 292 lao động (bằng 95,7%) làm nghề, thu nhập bình quân 1 lao động từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/người/tháng. Các LN rèn Bàn Mạch, rắn Vĩnh Sơn cũng có khoảng 65% lao động làm nghề. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong LN đã tích cực đầu tư, đổi mới, thiết bị công nghệ, giảm chi phí sản xuất, cải tiến mẫu mã nên tiêu thụ được sản phẩm. Các sản phẩm chủ yếu bằng gỗ: giường, tủ, bàn, ghế; công cụ cầm tay: dao, liềm, cuốc, sẻng, cào, kéo; rắn thương phẩm, rượu rắn, cao rắn, nọc rắn, da rắn và nghề cơ khí - vận tải đường thuỷ vẫn duy trì tăng trưởng ở mức ổn định. Thu nhập của lao động LN, ngành nghề nông thôn được cải thiện. Phát triển các LN, ngành nghề nông thôn đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn nông thôn theo hướng tích cực, hiệu quả.

Năm qua, các ngành chức năng của huyện còn phối hợp với Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ phát triển khuyến công quốc gia cho 7 doanh nghiệp và 3 cơ sở sản xuất. Mở 2 lớp đào tạo nghề mộc tại xã An Tường cho 100 học viên và tổ chức Đại hội thành lập Hội nghề mộc cấp xã. Hướng dẫn xã Lý Nhân lập quy hoạch Khu LN mộc tập trung tại hai thôn Vân Giang, Văn Hà; quy hoạch mở rộng Khu LN rèn Bàn Mạch. Tổ chức hội thi tay nghề thợ giỏi mộc mỹ nghệ, rèn tại hai xã An Tường, Lý Nhân, tạo điều kiện cho thợ thủ công của các LN thể hiện kỹ năng, khả năng sáng tạo. Đồng thời tạo ra phong trào thi đua lao động sản xuất, duy trì và phát triển làng nghề thủ công truyền thống của địa phương, cũng như phát triển nghề và LN.

Tìm hiểu về những khó khăn cần tháo gỡ để các LN, ngành nghề nông thôn phát triển ổn định, vững chắc, ông Lê Văn Minh, Trưởng phòng Công thương huyện Vĩnh Tường cho biết: Đầu năm 2009, công việc ở nhiều LN kém sôi động, sản phẩm khó tiêu thụ, sản xuất cầm chừng. Ngoài những mặt hạn chế vốn có như trình độ quản lý, thiết bị công nghệ lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp, sức mua của thị trường giảm sút... là giá nguyên liệu, nhiên liệu liên tục tăng với mức cao. Còn về tài chính, hầu hết doanh nghiệp, hộ sản xuất LN không được vay vốn. Những đơn vị được vay thường ở mức vốn thấp, thời hạn vay ngắn, vay được rồi sản xuất quay vòng lại không kịp. Thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề có xu hướng gia tăng. Đó là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của LN, ngành nghề nông thôn.

Để giúp các LN phát triển ổn định, vững chắc, huyện Vĩnh Tường tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh quy hoạch các LN tập trung và đẩy nhanh việc lập dự án đầu tư xây dựng. Đề nghị với tỉnh và huyện hỗ trợ đầu tư đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng các khu sản xuất tập trung của các LN. Cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân về tính cấp thiết phải xây dựng và áp dụng các tiến bộ KHKT tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng, tiết kiệm nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm. Ngành ngân hàng cần có cơ chế, chính sách tăng hạn mức cho vay theo yêu cầu của các doanh nghiệp, HTX nghề, hộ gia đình trong các LN. Tăng mức cho vay trung hạn và dài hạn tạo điều kiện cho LN sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả. Đề nghị với tỉnh, các sở, ngành có liên quan tăng thêm quỹ khuyến công và kinh phí xúc tiến thương mại, đào tạo thợ thủ công tại các LN, quảng bá, giới thiệu, khẳng định thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, mở rộng sản xuất cho các LN, ngành nghề nông thôn. Sớm đưa các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình làm nghề ra khu sản xuất tập trung và có giải pháp cụ thể khắc phục ô nhiễm môi trường. Các xã có LN đặc biệt quan tâm đến giữ gìn nghề, phát triển nghề và truyền nghề tại địa phương.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực