|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, đảng viên, đại biểu là HĐND cấp xã và huyện, ngay từ đầu năm 2004, huyện Lập Thạch đã khai trương và đi vào hoạt động bộ phận “một cửa” ở cả 2 cấp huyện và xã.
Bộ phận “một cửa” cấp huyện do Văn phòng UBND quản lý. Chủ tịch UBND huyện điều động 5 cán bộ có trình độ, kinh nghiệm và nhiệt tình, đồng thời có kỹ năng giao tiếp đang làm việc thuộc các phòng chuyên môn về làm việc tại bộ phận “một cửa” vào các ngày theo lịch phân công và theo từng lĩnh vực. Bộ phận “một cửa” cấp huyện tập trung giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực: Địa chính, cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, chứng thực, chính sách xã hội, đăng ký hộ khẩu, làm CMND và thuế. Tại trụ sở văn phòng của bộ phận “một cửa” niêm yết công khai nội quy hoạt động, quy trình, thủ tục, phí, lệ phí và người trực theo từng lĩnh vực.
Đối với cấp xã, thị trấn, huyện chỉ đạo và hướng dẫn thành lập bộ phận “một cửa” với thành phần tương tự ở cấp huyện. Trong các ngày làm việc có đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn cùng đại diện cán bộ bộ phận Công an, Tư pháp, Văn phòng, Địa chính nhằm giải quyết nhanh, kịp thời cho người dân đến giao dịch chứng nhận đất đai, đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, chứng nhận hồ sơ, lý lịch, công chứng các loại giấy tờ, văn bản liên quan.
Năm 2008, tiếp tục triển khai Quyết định 30/2008/QĐ-TTg về “Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước” giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30) nhằm mở rộng nâng cao hơn nữa chất lượng CCHC ở cảc cấp huyện và xã. Huyện Lập Thạch đã ban hành các văn bản hướng dẫn các bộ phận nghiệp vụ phương pháp thống kê, lập danh mục các thủ tục hành chính; mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính; các yêu cầu, điều kiện để thể hiện thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước cho cán bộ thực hiện Đề án 30 của các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn.
Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Văn phòng UBND huyện tham mưu cho UBND huyện rà soát lại được hàng ngàn văn bản có hiệu lực và văn bản pháp quy đã được thay thế bằng văn bản khác; rà soát hàng trăm văn bản để phát hiện huỷ bỏ các văn bản sai thẩm quyền và rút kinh nghiệm về thể thức văn bản. Công tác tự rà soát thủ tục hành chính ở cấp huyện và xã đã được thực hiện nhanh hơn và bài bản hơn.
Trong năm 2008 (năm đầu thực hiện Đề án 30), cấp huyện đã mở được 2 đợt rà soát được 29 loại thủ tục hành chính, trong đó lĩnh vực chính sách 12 loại thủ tục, tài nguyên môi trường 11 loại, đăng ký kinh doanh 2 loại, xây dựng 2 loại, tư pháp 2 loại và 15 thủ tục hành chính của các lĩnh vực kể trên. Cấp xã đã tiến hành rà soát được 46 loại thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp, địa chính, chứng thực, hộ tịch.
Sau khi rà soát, thống kê các thủ tục hành chính, UBND huyện xem xét đánh giá thống kê rút kinh nghiệm cái được và chưa được, tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ, công chức tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 rà soát lại các thủ tục hành chính kiến nghị sửa đổi, huỷ bỏ, thay thế.
Đến nay đã kiến nghị bãi bỏ, huỷ bỏ 6 thủ tục, trong đó lĩnh vực đầu tư 2, tài chính 1, lĩnh vực khác 3; kiến nghị sửa đổi bổ sung 43 thủ tục hành chính các loại. Yêu cầu kiến nghị đơn giản hoá, cụ thể hoá trình tự thực hiện, cách thức giải quyết; sửa đổi về thời gian giải quyết; thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh quy định làm việc là 1 ngày/tuần. Thông báo giải thể tự nguyện HTX trong vòng 20 ngày; thông báo tạm ngừng hoạt động HTX trong vòng 15 ngày; cấp GCN đăng ký kinh doanh HTX trong 10 ngày; đăng ký thay đổi nội dung hộ kinh doanh cá thể 3 ngày làm việc...
Trong thực hiện kế hoạch số 1789/KH-UBND ngày 28-5-2007 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Đề án “Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007-2010” của Chính Phủ, UBND huyện đã giao cho phòng Tư pháp xây dựng kế hoạch thực hiện đề án tham mưu cho huyện để đôn đốc các ngành và các xã, thị trấn chưa hoàn thiện việc điền Biểu mẫu 01 để tiến hành điền kịp tiến độ theo kế hoạch của tổ công tác ĐA 30 của tỉnh nghiệm thu theo đúng kế hoạch. Toàn huyện đã thực hiện điền được 81/94 thủ tục hành chính ở cấp huyện và 726 thủ tục hành chính ở cấp xã.
Trong 2 năm (2008-2009) bộ phận “một cửa” của huyện Lập Thạch (bao gồm cả huyện Sông Lô) đã tiếp nhận hơn 11.000 hồ sơ của 5 lĩnh vực đó là: địa chính, chính sách xã hội, xây dựng, đăng ký kinh doanh, công chứng. Trong đó hồ sơ giải quyết trước hạn, đạt tỷ lệ hơn 17%, hồ sơ đúng hạn 95% tổng hồ sơ tiếp nhận. Cấp xã cũng có cách làm tương tự như cấp huyện. 2 năm qua bộ phận một cửa của các xã đã tiếp nhận gần 60.000 hồ sơ thuộc 4 lĩnh vực đó là: Địa chính, hộ tịch, hộ khẩu, chứng thực và đã giải quyết được hồ sơ được giải quyết trước hạn gần 2%, hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 98%.
Công tác cải cách hành chính (CCHC) theo cơ chế một cửa ở cả 2 cấp xã và huyện của Lập Thạch những năm qua được duy trì đều đặn đã phát huy tác dụng rất lớn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính nhất là ở cấp xã. Phần lớn các thủ tục đều giải quyết đúng hạn, không bị tồn đọng, đảm bảo đúng quy định. Từ đó giúp cho người dân đến nơi công quyền làm các thủ tục hành chính được nhanh chóng thuận lợi. Tuy nhiên chế độ cho người làm việc ở bộ phận “một cửa” còn thấp trong khi đó công việc nhiều, đòi hỏi giải quyết nhanh và chính xác, đúng quy trình, chế độ, vì vậy công tác giải quyết hồ sơ ở cấp huyện và cấp xã đã có nhiều cố gắng nhưng tiến độ vẫn còn chậm, nhất là ở cấp huyện vẫn còn chậm so với hạn định gần 1%. Cấp xã số hồ sơ chậm với hạn định còn chiếm 0,4% (không kể hàng trăm hồ sơ đang giải quyết).
Thời gian tới, huyện Lập Thạch tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành nhất là các phòng chức năng ở bộ phận “một cửa” đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân định rõ chức năng của từng bộ phận thực hiện có hiệu quả hơn nữa Đề án 30 của Thủ tướng, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển KT-XH và giữ gìn ANQP của địa phương.