Hội thảo mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn Vĩnh Phúc

Thứ tư, 30/05/2012 17:46

Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh:HN)

(ĐCSVN) - Sáng ngày 29/5, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Y tế tổ chức Hội thảo về mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo đã công bố Báo cáo của ngành y tế về việc mất cân bằng giới tính trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỷ số giới tính khi sinh của Vĩnh Phúc có xu hướng tăng: Năm 2005 là 114, đến năm 2010 và năm 2011 là 115,37 và 116,15. Năm 2005 có 6/8 huyện, thị có tỷ số giới tính khi sinh trên 110; năm 2011 có 9/9 huyện, thị, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh trên 110, trong đó có 6 huyện, thị ở mức báo động từ 115 trở lên. Hiện nay Vĩnh Phúc là 1 trong 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước.

Được biết, tỷ số giới tính khi sinh là yếu tố mang tính căn nguyên quyết định tình trạng cân bằng hay mất cân bằng giới tính trong một cấu trúc dân số. Trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực Châu Á như ở Trung Quốc, Ấn Độ... hiện đang phải đối phó với tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về giới tính của trẻ khi sinh. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng tỷ lệ tội phạm, nhu cầu sách báo khiêu dâm và kết hôn trái phép là những hậu quả của sự mất cân bằng giới tính. Nếu không giải quyết được tình trạng này thì khủng hoảng hôn nhân sẽ tác động to lớn tới cấu trúc gia đình, đạo đức xã hội và phát triển kinh tế. Các hệ luỵ nghiêm trọng tiềm ẩn có thể là: thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc họ phải kết hôn sớm hơn; nhu cầu mua bán tình dục cũng có thể ngày càng tăng và các mạng lưới buôn bán phụ nữ có thể sẽ mở rộng hơn...

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều ý kiến tham luận xung quanh các vấn đề như: thực trạng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) cao ở Vĩnh Phúc và một số địa phương trong tỉnh; hậu quả của tình trạng MCBGTKS đến cơ cấu và chất lượng dân số trong tương lai; vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với công tác dân số- kế hoạch hoá gia đình nói chung và vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh nói riêng; các kiến nghị, giải pháp nhằm can thiệp giảm thiểu tình trạng MCBGTKS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới...

Đa số đại biểu tại Hội thảo đều thống nhất rằng, cần tập trung thực hiện tốt việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền trong tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số- kế hoạch hoá gia đình đạt hiệu quả cao nhất. Đối với ngành y tế, cần chủ động tham mưu, đề xuất với tỉnh để có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở một cách ổn định, với đội ngũ cán bộ giàu tâm huyết, trách nhiệm, am hiểu về lĩnh vực DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó, tham gia đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh; Quan tâm đến việc bình đẳng giới, thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em trong xã hội nhằm cải thiện vị thế và bảo đảm các quyền của phụ nữ và trẻ em gái; Quan tâm đến chế độ an sinh xã hội cho người vao tuổi, giúp họ yên tâm được bảo vệ và chăm sóc khi tuổi già mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào con cái; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân, xử lý nghiêm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; Coi trọng công tác thi đua, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực