Hướng tới môi trường an toàn cho chăn nuôi

Thứ năm, 16/09/2010 15:12

Những năm gần đây nghề chăn nuôi ngày càng gặp nhiều những khó khăn và nhọc nhằn do dịch bệnh hoành hành. Trên địa bàn Vĩnh Phúc, tuy không có dịch xảy ra, nhưng sự bùng phát của dịch bệnh đã làm ảnh hưởng lớn đến lưu thông vận chuyển, giá cả sản phẩm chăn nuôi và gây ra tâm lý lo ngại khi đầu tư cho chăn nuôi.

Trong những năm qua, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn có sự phát triển cả về quy mô và tính chất, thông thường có trên 26 ngàn con trâu, gần 140 ngàn con bò, khoảng 550 ngàn con lợn, trên 7,1 triệu con gia cầm và 1,2 con thuỷ cầm. Giá trị ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao và ngày càng tăng thêm trong cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm, thuỷ sản. Chính vì vậy bảo vệ an toàn cho chăn nuôi luôn được các cấp, ngành quan tâm. Ngành thú y có nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc phòng, chống dịch cho gia súc, gia cầm.

Nhằm hạn chế thấp nhất sự bùng phát của dịch bệnh và góp phần ổn định tâm lý cho hộ chăn nuôi, nhiều năm qua Chi cục thú y đã quyết tâm thực hiện mục tiêu chủ động phòng, chống tốt nhất dịch bệnh trên địa bàn theo phương châm: Kịp thời, trúng và đúng.

Ông Trần Thiện Chí, Chi cục phó, Chi cục Thú y cho biết: trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán chiếm tỷ lệ cao, trên địa bàn rộng đã gây không ít khó khăn cho quản lý, giám sát dịch bệnh. Tuy nhiên, qua công tác phòng, chống dịch những năm qua, chúng tôi cho rằng; để chống dịch có hiệu quả phải có sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, khẳng định vai trò của Ban chỉ đạo và nỗ lực liên kết giữa các lực lượng để thực hiện đồng bộ, chính xác các bước của quá trình chống dịch bệnh cho GSGC. Thực tế, những năm đầu dịch bệnh xẩy ra trên địa bàn, Ban chỉ đạo của tỉnh đã triệu tập đông đủ các thành viên và cán bộ của ngành nông nghiệp, cán bộ thú ý thường trực 24/24 giờ, tạo ra khí thế rầm rộ, trách nhiệm cao để sẵn sàng vào cuộc chống dịch.

Tìm hiểu qua công tác chống dịch trên địa bàn, chúng tôi được biết, bên cạnh công tác tiêm phòng định kỳ và bổ sung, khi có dịch bệnh xẩy ra Chi cục thú y luôn tiến hành chống dịch qua các bước cơ bản, hàng đầu là tuyên truyền trong nhân dân, sau đó kết hợp cùng cơ sở làm tốt công tác quản lý giám sát dịch bệnh chặt chẽ từ cơ sở, thôn, bản và hộ chăn nuôi với phương châm: phát hiện dịch bệnh nhanh, xử lý gọn, không để lây lan rộng.

Trong 5 năm qua Chi cục đã duy trì báo cáo dịch bệnh hàng tháng từ cơ sở, từng bước rút ngắn thời gian báo cáo dịch bệnh đột xuất xẩy ra, ổ dịch lở mồm long móng gia súc được phát hiện tại hộ gia đình và thông tin báo cáo đến cơ quan thú y từ 3 đến 5 ngày và với dịch cúm gia cầm từ 2 đến 3 ngày, từ đó đã chủ động cùng cơ sở thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả.

Khi có ổ dịch xẩy ra, cán bộ của Chi cục thú y luôn là lực lượng đầu tiên tiếp cận để kiểm tra, xác minh, khẳng định mức độ dịch, loại dịch bệnh từ đó tham mưu cho các cấp, các ngành các biện pháp phòng, chống cho từng loại bệnh.

Trong năm 2006 một số ổ dịch LMLM đã xẩy ra lẻ tẻ trên địa bàn tỉnh, nhưng do chủ động được công tác quản lý nên cán bộ chi cục thú y đã nhanh chóng xác định mức độ dịch và đề xuất các biện pháp chống dịch kịp thời, vì vậy dịch đã được khống chế và nhanh chóng dập tắt không phải công bố dịch.

Trên cơ sở quản lý, giám sát được tăng cường, nắm chắc tình hình chăn nuôi trên địa bàn, qua đó phát hiện sớm vật nuôi khi có triệu chứng không bình thường, sớm khai báo với chính quyền và cơ quan chức năng đồng thời không tổ chức vận chuyển vật nuôi...

Khi nhận được thông tin, cán bộ chi cục thú ý đã có mặt tại nơi xẩy ra ổ dịch để xác minh, chuẩn đoán chính xác dịch bệnh, đề xuất giải pháp xử lý và công bố dịch khi đủ điều kiện; sau đó triển khai các biện pháp tiếp theo trong đó có việc tổ chức lực lượng bao gồm cán bộ chăn nuôi thú y, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương và hộ chăn nuôi cùng vào cuộc, trước mắt khoanh vùng ổ dịch để tiến hành các biện pháp kỹ thuật... lập chốt tại địa phương có ổ dịch nhằm kiểm soát quản lý vận chuyển, việc lập chốt cũng được tiến hành tuỳ theo mức độ, quy mô ổ dịch để lập các chốt từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo mục tiêu kiểm soát tốt việc vận chuyển động vật khả nhiễm; đồng thời tiến hành xử gia súc bệnh theo quy định.

Công tác tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, theo đúng quy trình trong đó với hộ chăn nuôi bị dịch được phun 1 lần/ngày và với thôn, xóm có ổ dịch phun 2 lần/ngày; tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch.

Một trong những yếu tố góp phần thực hiện có hiệu quả công tác chống dịch là thực hiện đầy đủ về cơ chế chính sách đảm bảo cụ thể, rõ ràng, công khai, thống nhất trên toàn tỉnh và đảm bảo kịp thời đến hộ chăn nuôi.

Cùng với việc chống dịch một cách quyết liệt, Chi cục thú y luôn coi trọng công tác phòng bệnh và chủ động cho công tác dập dịch, vì vậy qua 4 năm nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã không xảy ra bệnh lở mồm long móng ở gia súc, 3 năm không xẩy ra dịch cúm gia cầm và không có dịch tai xanh ở lợn. Đây là môi trường tốt nhất để thúc đẩy chăn nuôi trên địa bàn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực