Huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) vững bước trên đường đổi mới

Thứ sáu, 16/07/2010 20:58
Huyện Sông Lô được thành lập theo Nghị định số 09 ngày 23/12/2008 của Chính phủ. Là huyện xa trung tâm tỉnh lỵ, điểm xuất phát kinh tế ở mức thấp, còn thuần nông, chịu nhiều ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên …

Bên cạnh đó, do khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới, ảnh hưởng suy giảm kinh tế trong nước, thiên tai, dịch bệnh diễn ra thường xuyên, giá cả các loại vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao… gây nên không ít khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Song, phát huy các tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành trong tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sông Lô dưới sự lãnh đạo của BCH lâm thời Đảng bộ huyện đã phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, đoàn kết vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, các cấp uỷ Đảng, chính quyền cùng toàn thể nhân dân trong huyện đã tập trung sức lực, trí tuệ đẩy mạnh phát triển kinh tế các ngành, vùng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vì vậy, kinh tế phát triển nhanh, tổng giá trị sản xuất thực hiện năm 2009 đạt 952,82 tỷ đồng, năm 2010 ước đạt trên 1.147 tỷ đồng, tăng 678 tỷ đồng so với năm 2005. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 15,2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2009 đạt 10,79 triệu đồng, năm 2010 ước đạt 12,8 triệu đồng (tăng 7,31 triệu đồng so với năm 2005). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, TTCN, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp. Năm 2005, nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 60,05%, TTCN - xây dựng 19,96%, dịch vụ - thương mại 19,93%. Năm 2010 cơ cấu tỷ trọng tương ứng: nông, lâm nghiệp giảm còn 48,39%, TTCN - xây dựng tăng lên 25,34%, dịch vụ 26,27%.

Sản xuất nông nghiệp đạt thành tựu nổi bật. Nhịp độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2005 - 2010 đạt 10,4%/năm. Tổng sản lượng lương thực năm 2010 tăng 18% so với năm 2005. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Khắc phục kịp thời khó khăn do bão lụt, hạn hán, dịch bệnh gây ra. Ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất. Chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá. So với năm 2005 đàn trâu tăng 2,2%, đàn bò tăng 7,8%, đàn lợn tăng 26,1%, đàn gia cầm tăng 15,5%. Phong trào chăn nuôi các động vật có giá trị kinh tế cao như: nhím, rắn… phát triển mạnh, mở ra hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành chăn nuôi. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong nông nghiệp tăng từ 45,07% (năm 2005) lên 50,9%. Các địa phương đã khai thác tốt diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản và sử dụng tốt các hồ đập nội đồng kết hợp thủy lợi với nuôi thả cá. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản tăng từ 653,2ha (năm 2005) lên 960ha (năm 2010). Sản lượng ước đạt 1.152 tấn, tăng 492,3tấn so với năm 2005.

Từ năm 2005 - 2010, trồng rừng tập trung đạt 1.409ha, 169 nghìn cây phân tán. Hoàn thành phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và thực hiện tốt việc giao rừng đến từng gia đình. Công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng được duy trì. Độ che phủ rừng hiện chiếm 24,47% trên địa bàn toàn huyện.

Về lĩnh vực XDCB, tổng giá trị đầu tư xây dựng giai đoạn 2005 - 2010 trên địa bàn đạt hơn 352 tỷ đồng. 100% các xã, thị trấn đã xây dựng được trường học cao tầng, trạm y tế, trụ sở làm việc khang trang. 85,2% thôn dân cư hoàn thành xây dựng nhà văn hoá. Về GTVT, tổng giá trị đầu tư giao thông 5 năm đạt trên 255 tỷ đồng. 100% tuyến tỉnh lộ (75,8km) được trải nhựa, đường huyện quản lý cứng hoá 68,75km/90,3km (76,16%). Các phương tiện vận tải đường thuỷ trên sông Lô, đường bộ phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá trên địa bàn. Dịch vụ vận tải năm 2010 ước đạt trên 40,1 tỷ đồng, tăng 41,72% so với năm 2005.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN năm 2010 ước đạt 100,3 tỷ đồng, tăng 74,94 tỷ đồng so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 18,9%. Dịch vụ, thương mại phát triển khá đa dạng đến từng thôn, xóm, cụm dân cư. Mở ra nhiều dịch vụ mới với sự tham gia của các thành phần kinh tế, đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong đời sống và phục vụ sản xuất của nhân dân trong huyện. 100% số xã, thị trấn có điểm Bưu điện văn hoá xã, hệ thống Internet và các dịch vụ viễn thông. Năm 2010 giá trị sản xuất dịch vụ, thương mại ước đạt 155,61 tỷ đồng, tăng 97,71 tỷ đồng so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân 22%/năm. Hoạt động tín dụng, ngân hàng, kho bạc có bước tiến bộ rõ rệt. Tích cực huy động tăng thêm nguồn vốn, mở rộng cho vay hướng vào các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Việc thu, chi ngân sách đảm bảo đúng pháp luật, tập trung ưu tiên cho đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Cùng với phát triển kinh tế, huyện Sông Lô luôn quan tâm đến phát triển văn hoá, xã hội nhằm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần nhân dân theo hướng chuẩn hoá, xã hội hoá. Các hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền, văn nghệ quần chúng, TDTT diễn ra rộng khắp và có tiến bộ về chất lượng. 58% số thôn làng, 75% số gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hoá, các lễ hội truyền thống: trọi trâu (Hải Lựu), rước cây bông (Đồng Thịnh), lễ xuống đồng (Quang Yên), bơi chải (Tứ Yên)… được quan tâm, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trong huyện. Bên cạnh đó, công tác giáo dục, y tế, dân số, gia đình và trẻ em thường xuyên được quan tâm, an sinh xã hội được chú trọng, AN – QP được giữ vững, trật tự ATXH được đảm bảo, góp phần tạo nên sự ổn định xã hội, nhân dân các dân tộc ấm no, hạnh phúc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19% (năm 2005) xuống còn 9,5%.

Song song với phát triển KT - XH, công tác xây dựng Đảng từ huyện tới cơ sở luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm. Tập trung xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh về chính trị , tư tưởng và tổ chức. Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” - là cơ sở trong việc nâng cao vai trò lãnh đạo, trách nhiệm trước nhân dân, xây dựng tổ chức Đảng TSVM “là đạo đức, là văn minh”. Các cấp uỷ Đảng còn quan tâm hơn đến việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm. Năm 2009, có 82,35% chi, Đảng bộ TSVM. Trong 5 năm đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt bình quân 65,1%, hoàn thành nhiệm vụ 19,4%. Hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở được củng cố, hoạt động đồng bộ, có hiệu quả. Vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng được tăng cường. Năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp chuyển biến tích cực, sâu sát nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Kết quả đạt được trong những năm qua đã tạo khí thế phấn khởi trong cán bô, đảng viên và nhân dân, khẳng định được vị thế của một huyện mới được thành lập.

Huyện Sông Lô mới thành lập với nhiều tiềm năng. Đảng bộ huyện xác định nhiệm kỳ 2010 - 2015 như sau: Thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở khai thác tốt các nguồn lực, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng giá trị sản xuất dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Từng bước triển khai và tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2020 và tầm nhìn 2030; quy hoạch chi tiết trung tâm hành chính huyện, thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiệu quả và bền vững, lấy chăn nuôi là mũi nhọn, khâu đột phá, gắn chăn nuôi với phát triển kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại, khuyến khích phát triển chăn nuôi động vật có giá trị kinh tế cao. Đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp, TTCN và dịch vụ. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, đẩy mạnh công tác XĐGN, giải quyết các vấn đề xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo TTATXH, quan tâm bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh CCHC, xây dựng hệ thống chính trị TSVM, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể, tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy KT - XH phát triển.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2010 - 2015 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh phát triển công nghiệp, hướng đô thị hoá. Phát huy thành tựu đạt được trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết, tranh thủ thời cơ thuân lợi, vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đề ra, sớm đưa huyện Sông Lô trở thành huyện giàu mạnh, văn minh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực