Lập Thạch (Vĩnh Phúc): Nhiều kết quả đạt được trong ngành chăn nuôi

Thứ sáu, 05/12/2014 10:16

(ĐCSVN) - Là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, thời gian qua, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đã xác định được ngành chăn nuôi làm mũi nhọn sản xuất, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Lập Thạch, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong sản xuất chăn nuôi
(Ảnh minh họa: HNV)

Lập Thạch là một huyện miền núi, diện tích rộng, địa hình phức tạp, kinh tế thuần nông, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, hạ tầng cơ sở tuy đã được đầu tư trong nhiều năm song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của kinh tế, xã hội. Việc thu hút đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện vẫn còn nhiều khó khăn.

Từ những điều kiện thực tế tại địa phương, Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIX đã xác định: phát triển kinh tế của huyện dựa vào nông nghiệp là chính, trong đó lấy chăn nuôi làm mũi nhọn đột phá. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp chiếm 65%. Hiện nay, tổng đàn trâu bò là 23.040 con, đàn lợn 86.450 con; gia cầm 1.313.000 con. Tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp chiếm 62,5%.

Cụ thể, đàn lợn tại huyện có xu hướng tăng dần qua các năm, bình quân tăng 40%/năm. Hiện, Lập Thạch có tổng đàn lợn nái ngoại đạt 9.500 con và 100 trang trại chăn nuôi với số lượng từ 600 con đến trên 1.000 con/lứa, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 5.000-6.000 tấn/năm. Điển hình là chăn nuôi lợn ở xã Quang Sơn, trong đó các hộ chăn nuôi ở xã đã có sự liên kết với nhau trong các khâu như sản xuất con giống và tiêu thụ sản phẩm, nổi bật là trang trại chăn nuôi lợn khép kín….

Bên cạnh đó, chăn nuôi bò sữa bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, đem lại một nghề mới cho người dân. Cụ thể, thực hiện Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa huyện Lập Thạch giai đoạn 2014-2018, đến nay đàn bò sữa có khoảng 200 con, các hộ chăn nuôi đã biết liên kết với nhau thành những nhóm hộ để phát triển, sản phẩm sữa được Công ty sữa Cô gái Hà Lan ký hợp đồng thu mua sữa 5 năm liên tục và được nhà máy đầu tư lắp đặt điểm điểm thu mua sữa điện tử tại xã Thái Hòa với sản lượng sữa đạt 2 tấn/ngày. Đây là mô hình liên kết theo nhóm, hộ tạo chất lượng sữa đồng đều, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo quy hoạch vùng chăn nuôi của huyện, trong đó phát triển chăn nuôi lợn ở các xã Quang Sơn, Ngọc Mỹ, Bắc Bình, Hợp Lý; chăn nuôi gia cầm ở các xã Bàn Giản, Xuân Hòa, Đống Ích, Từ Du,…Trên địa bàn huyện đến nay đã xây dựng được 10 khu chăn nuôi tập trung, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm và phun thuốc khử trùng tiêu độc môi trường 2 đợt/năm. Phát triển chăn nuôi gắn với xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường bằng việc hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng hầm bioga, bể xử lý chất thải. Khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại và gia trại quy mô lớn, cải tạo chất lượng con giống.

Lập Thạch mong muốn được Nhà nước hỗ trợ về giống (Ảnh minh họa: VT)


Tuy nhiên, để thành công trong sản xuất chăn nuôi, Lập Thạch mong muốn được Nhà nước hỗ trợ về con giống, bởi nếu làm tốt chất lượng giống sẽ giúp giảm giá thành sản xuất. Đồng thời có chính sách hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo chuỗi. Trong đó, doanh nghiệp ký hợp đồng kinh tế với người nông dân. Nông dân chỉ cần có nhà, đất, lao động và được trả công tính theo hợp đồng. Sản phẩm chăn nuôi khi xuất chuồng được đưa đến nhà máy giết mổ, kết nối với nhà máy chế biến rồi đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông cho nông dân học tập. Đồng thời, hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi, phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm và quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, hoàn thiện hạ tầng khu sản xuất như điện, nước, giao thông./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực