(ĐCSVN) - Hiện nay, đội ngũ giáo viên mầm non toàn tỉnh Vĩnh Phúc gồm có 2.798 người, trong đó số giáo viên trong biên chế là 115 người, số giáo viên ngoài biên chế là 2.683 người. Số giáo viên mầm non ngoài biên chế chiếm phần lớn lực lượng giáo viên mầm non của tỉnh, cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn do đồng lương thấp, các chế độ phụ cấp ưu đãi thiếu đồng bộ.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn và vai trò quan trọng của người giáo viên mầm non trong sự nghiệp giáo dục mầm non, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc cùng với đầu tư phát triển kinh tế, đã quan tâm đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa – xã hội, nhất là giáo dục – đào tạo từng bước đưa lĩnh vực này thực sự là quốc sách hàng đầu, trở thành động lực cho sự phát triển của tỉnh. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho giáo dục mầm non phát triển, trong đó chú trọng ban hành các chính sách chăm lo đời sống của giáo viên mầm non.
Các cơ chế, chính sách do tỉnh ban hành tập trung hỗ trợ về lương và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế, tuyển dụng vào biên chế theo quy định của Nhà nước... Năm 2007, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 04/2007/NQ-HĐND (ngày 11/5/2007) trích ngân sách tỉnh hỗ trợ lương và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với giáo viên mầm non. Theo đó, đối với giáo viên ngoài biên chế đạt chuẩn (có trình độ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học sư phạm mầm non, sau đại học) được hỗ trợ hưởng lương và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hàng tháng bằng mức lương khởi điểm của giáo viên trong biên chế có cùng trình độ đào tạo; Giáo viên chưa đạt chuẩn được hưởng hỗ trợ lương và chế độ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bằng mức lương tối thiểu do Nhà nước qui định, hệ số 1,0. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đi tiên phong trong việc hỗ trợ lương và đóng BHXH, BHYT đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế. Chính sách này của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp giáo viên mầm non phần nào yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp trồng người của tỉnh.
Thực hiện quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non công lập, ngày 16/9/2010, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 25/2010/QĐ-UBND chuyển đổi 158 trường mầm non bán công trên địa bàn tỉnh sang trường mầm non công lập. Việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên đang công tác trong các cơ sở giáo dục mầm non sau khi chuyển sang loại hình công lập được triển khai kịp thời và theo hướng có lợi hơn cho giáo viên mầm non. Theo đó, cán bộ quản lý, giáo viên trong biên chế tiếp tục công tác và được hưởng mọi quyền lợi, chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của nhà nước. Đối với giáo viên hợp đồng đã được hỗ trợ lương và bảo hiểm theo Nghị quyết 04/2007/NQ-HĐND ngày 11/5/2007 của HĐND tỉnh và giáo viên đã được hợp đồng đóng bảo hiểm xã hội ở các trường mầm non công lập trước ngày 15/9/2010 được chuyển xếp tiền công và các khoản phụ cấp vận dụng thực hiện từ bậc 1 theo ngạch viên chức có cùng trình độ đào tạo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/2/2004 của Chính phủ hoặc được xét tuyển vào viên chức sự nghiệp giáo dục theo quy định hiện hành. Những giáo viên không đủ điều kiện tuyển vào viên chức sự nghiệp giáo dục được tiếp tục hợp đồng, được hưởng lương và đóng bảo hiểm theo trình độ đào tạo. Những giáo viên có tuổi đời từ 50 tuổi trở lên không có nhu cầu tiếp tục làm việc thì được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí nghỉ việc một lần với mức hỗ trợ cho mỗi năm công tác bằng một tháng lương theo mức lương tối thiểu tại thời điểm nghỉ việc.
Vĩnh Phúc cũng thực hiện tốt việc tuyển dụng giáo viên vào các cơ sở giáo dục mầm non, đảm bảo quyền lợi cho những người được đào tạo đúng chuyên môn và có tâm huyết với ngành giáo dục mầm non. Việc tuyển dụng giáo viên mầm non được thực hiện một cách công khai, minh mạch, theo đúng quy định của pháp luật, tuyển chọn được những giáo viên đạt chuẩn về trình độ, có phương pháp sư phạm, có tâm huyết với nghề bổ sung vào đội ngũ giáo viên mầm non của tỉnh.