Để giáo dục của huyện miền núi Lập Thạch không bị tụt hậu, có bước phát triển đột phá về chất lượng, có nhiều thầy giáo, cô giáo giỏi, ngành GD&ĐT bắt đầu thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học bậc tiểu học" từ năm học 2009-2010.
Huyện Lập Thạch hiện có 25 trường tiểu học. Các nhà trường được đầu tư xây dựng kiên cố, nhiều trường có nhà điều hành 2 tầng và nhà công vụ giáo viên. Mấy năm vừa qua, tỷ lệ giáo viên giỏi, học sinh giỏi; học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá, học lực khá, giỏi ngày càng tăng. Đầu năm học 2009 - 2010 có 1.675 cháu 6 tuổi được tuyển vào lớp 1, đạt 100%. Phòng GD&ĐT tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học. Học kỳ I vừa qua, không có học sinh tiểu học bỏ học. 100% được xếp loại hạnh kiểm thực hiện đầy đủ 5 nhiệm vụ của học sinh. Các hoạt động của nhà trường trong huyện về thực hiện 3 cuộc vận động và phong trào “Hai có” (có thầy giỏi - trò giỏi) do huyện phát động đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, hành động của các cấp quản lý giáo dục, nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh. 20/25 Trường tiểu học trong huyện đã đạt chuẩn quốc gia. Giảng dạy và học tập đã đi vào nền nếp, thực chất học sinh chăm học hơn. Việc giúp đỡ học sinh học lực yếu kém được Phòng GD&ĐT, các nhà trường chỉ đạo quyết liệt nên thu được kết quả, góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục văn hoá. Xếp loại cuối học kỳ I (năm học 2009 - 2010) bậc tiểu học : môn Tiếng Việt có 26,5% loại giỏi, 43,6% khá (bình quân chung của tỉnh là 38,5%), 2,3% loại yếu; môn Toán có 38,9% loại giỏi, 32% khá và 3,6% yếu.
Về chất lượng đội ngũ, đến nay, cán bộ và giáo viên bậc tiểu học trong huyện trình độ chuyên môn khá đồng đều, có tinh thần trách nhiệm cao. Năm học vừa qua, Phòng GD&ĐT luôn chú trọng việc tổ chức bồi dưỡng tại chỗ cho cán bộ quản lý, giáo viên thông qua các chương trình bồi dưỡng trong dịp hè và trong năm học. Cùng với tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên được đi đào tạo nâng cao trình độ chuẩn và trên chuẩn, thông qua các hội thảo, chuyện đề đổi mới phương thức dạy và học theo hướng tích cực hoá hoạt động của học sinh, phát huy tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh tại trường, đồng thời, sử dụng tốt đồ dùng dạy học trực quan và đồ dùng dạy học tự làm. Kết hợp với đổi mới công tác thanh, kiểm tra, nâng cao hiệu quả giờ dạy trên lớp để học sinh tiếp thu bài học nhanh hơn. Đánh giá kết quả đạt được trong 3 năm học vừa qua của bậc tiểu học đã khẳng định công tác dạy và học là khá tốt. Chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng bồi dưỡng học sinh năng khiếu được nâng lên rõ rệt, thực sự chiếm được niềm tin của cha mẹ học sinh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nâng cao chất lượng giáo dục bậc tiểu học ở Lập Thạch còn nhiều bất cập. Nhiều giáo viên trẻ ở các địa phương khác trong tỉnh công tác tại Lập Thạch, một phần do sinh hoạt ở miền núi còn khó khăn, phần vì chưa tâm huyết với nghề nên chưa dành thời gian đầu tư cho soạn bài và giảng dạy. Mặt khác, kinh nghiệm quản lý giáo dục của một số cán bộ còn hạn chế, chưa thực sự gương mẫu trong công việc, hiệu quả công tác quản lý chưa cao, trang thiết bị dạy học còn thiếu... đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Công tác xã hội hoá giáo dục ở một số địa phương trong huyện chưa làm được nhiều, một số phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm tới việc học của con em mình, vẫn còn tình trạng phó mặc cho nhà trường.
Năm học 2009-2010 và những năm tiếp theo, Lập Thạch tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện quy mô phát triển giáo dục, đảm bảo sự đồng bộ giữa các vùng miền. Trước mắt là đầu tư xây dựng các trường tiểu học trọng điểm chất lượng cao thị trấn Lập Thạch, Sơn Đông, Thái Hoà. Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên đi tham quan học tập kinh nghiệm về dạy và học, về xây dựng trường chuẩn quốc gia và các chuyên đề nâng cao chất lượng giáo dục trong trường học. Bố trí đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, sắp xếp, phân công hợp lý, tạo điều kiện cho giáo viên giảng dạy tốt, tự học, tự bồi dưỡng. Giáo viên giảng dạy đảm bảo chất lượng, tham gia công tác phổ cập giáo dục tiểu học ở địa phương. Bằng các nguồn lực, năm 2020, phấn đấu các trường tiểu học trong huyện có đủ phòng học, phòng điều hành, bàn ghế, bảng chuẩn, cổng trường, biển trường, hàng rào, cây xanh, công trình vệ sinh hợp quy cách, đúng tiêu chuẩn... Đồng thời, xây dựng 2 trường chuẩn quốc gia và trường tiểu học Thái Hoà đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên và coi đó là động lực nâng cao chất lượng giáo viên.
Cùng với đề nghị Sở GD&ĐT tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, phòng học đa năng ở các trường tiểu học, huyện đầu tư 100% vốn để xây dựng nhà điều hành cho các trường tiểu học chưa đạt chuẩn. Tiếp tục xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 1, 2 và có chính sách ưu đãi để động viên cán bộ, giáo viên giảng dạy ở các trường chất lượng cao.