Ngành Y tế Vĩnh Phúc được thành lập đầu năm 1950 và đã khẩn trương triển khai thực hiện ngay hai chức năng “phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe nhân dân”, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “phòng bệnh là chính, lấy chữa bệnh đẩy mạnh phòng bệnh”. Thời gian này, Ty Y tế và Bệnh viện tỉnh là một tổ chức chung đóng tại huyện Lập Thạch.
Trước muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về cán bộ chuyên môn, vật tư y tế, cơ sở vật chất, song ngành Y tế đã tập trung toàn bộ khả năng về nhân tài, vật lực phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Trong hai năm 1952 - 1953, Ty Y tế đã phối hợp với các huyện tổ chức nhiều lớp huấn luyện ngắn hạn, đào tạo 216 cán bộ y tế xã, 32 nữ hộ sinh nông thôn, 163 cán bộ phòng dịch, 46 vệ sinh viên, 22 nhân viên tân dược… để tăng cường mạng lưới y tế cơ sở vùng tự do và bước đầu bổ sung cho các xã vùng hậu địch với nhiệm vụ phục vụ kháng chiến là chính.
Kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), 100% số xã trong tỉnh đều có trạm y tế hộ sinh. Đội ngũ cán bộ được tăng cường, 87,2% số xã có y sỹ nông thôn. 78% số hợp tác xã có tổ chức y tế, có nội dung hoạt động phù hợp với tình hình mới. Nhân dân trong tỉnh hăng hái thực hiện các phong trào: “Định kỳ làm vệ sinh công cộng”, “Thi đua làm 3 công trình vệ sinh: giếng nước, nhà tắm, hố xí hai ngăn”, “Ba sạch, bốn diệt”, “thể dục vệ sinh”. Công tác vệ sinh phòng bệnh ngày càng phát triển và đi vào nền nếp.
Sự nghiệp y tế đang có chiều hướng phát triển mạnh thì đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc vô cùng ác liệt. Trước tình hình đó, năm 1966, toàn bộ Bệnh viện tỉnh sơ tán về xã Tân Phong (Bình Xuyên). Trong hoàn cảnh sơ tán, việc khám chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh không những được duy trì vững vàng mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời chiến.
Đến tháng 3-1968, Quốc hội và Chính phủ quyết định sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Trong những năm đầu hợp nhất tỉnh, ngành Y tế Vĩnh Phú đã nhanh chóng thích ứng tình hình, ổn định tổ chức, giữ vững và đẩy mạnh công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, đặc biệt là cấp cứu phòng không, phòng chống lụt bão, dịch bệnh...
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong tình hình kinh tế và đời sống còn có nhiều khó khăn, song sự nghiệp y tế tiếp tục được củng cố và phát triển, ngành đã có nhiều cố gắng lớn trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Phong trào vệ sinh phòng bệnh phát triển khá, có nhiều biện pháp ngăn chặn và đẩy lùi nhiều bệnh xã hội, không để dịch lớn xảy ra. Mạng lưới y tế phát triển rộng từ tỉnh đến huyện, xã, xí nghiệp, nhà máy, nông lâm trường... Đội ngũ chuyên môn kỹ thuật ngày càng lớn mạnh.
Ngay sau khi tái lập tỉnh, ngành Y tế bắt tay ngay vào việc xây dựng, củng cố phát triển hệ thống tổ chức y tế. Đến nay, về cơ bản hệ thống màng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở đã được kiện toàn và hoạt động có nền nếp. Toàn tỉnh hiện có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 5 bệnh viện đa khoa huyện, 9 phòng khám đa khoa khu vực và 3 trung tâm y tế huyện, thị, thành phố. Ngoài ra còn có 10 trung tâm kỹ thuật tuyến tỉnh và 5 trung tâm YTDP huyện. 100% xã, phường có trạm y tế và 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động. Cùng với việc củng cố cơ sở vật chất, hệ thống y tế đã và đang tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa về trang thiết bị y tế, phục vụ tốt nhất cho công tác khám chữa bệnh.
Trong nhiều năm qua, ngành Y tế rất chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ, nhân lực của ngành. Hàng năm, các đơn vị đều có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cán bộ bằng nhiều hình thức trong đó chú trọng đào tạo bác sĩ có năng lực quản lý, có trình độ chuyên môn sâu như : Tiến sĩ, thạc sĩ, Bs.CKI, CKII. Do đó, đội ngũ cán bộ khoa học của ngành đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn ngành có 3.391 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó có 581 bác sĩ, (13 bác sĩ chuyên khoa II, 32 thạc sĩ, 143 bác sĩ chuyên khoa I). Đạt tỷ lệ 7 bác sĩ/ 10.000 dân; 140 dược sĩ, đạt tỷ lệ 01 dược sĩ/10.000 dân. Hiện tại, tất cả các trưởng trạm y tế trong tỉnh đều đã qua đào tạo về quản lý Nhà nước, nhằm nâng cao năng lực quản lý sức khỏe cộng đồng và chăm sóc sức khỏe ở tất cả các tuyến.
Trong nhiều năm qua, ngành Y tế đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị vật tư y tế hiện đại từ tỉnh đến cơ sở để cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng cao.
Ngoài ra, ngành đã và đang mở rộng quan hệ để thu hút sự đầu tư từ các tổ chức trong và ngoài nước như: Pathfinder, ITI, UNICEF, JAIKA, Ngân hàng Châu á (ADB)... để tiến tới hiện đại hóa ngành Y tế. Tại các bệnh viện tuyến tỉnh đã trang bị được nhiều kỹ thuật chẩn đoán hiện đại như: chụp cắt lớp vi tính, siêu âm màu 3 chiều, 4 chiều, các máy xét nghiệm huyết học, sinh hoá, vi sinh nhiều thông số. ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như: Phẫu thuật nội soi, phẫu thuật đục thuỷ tinh thể bằng phương pháp Phaco, phẫu thuật sọ não, chạy thận nhân tạo, thay huyết tương..., góp phần cứu chữa nhiều bệnh nhân nặng và giảm chi phí cho người bệnh. Nhờ đó số lượng và chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao.
Trong nhiều năm qua, ngành Y tế Vĩnh Phúc đã có nhiều thành công trong lĩnh vực quản lý và chuyên môn, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch được giao, năm sau cao so với các năm trước. Mỗi năm toàn ngành thực hiện khám và điều trị cho khoảng hơn 3 triệu lượt người; điều trị nội trú cho hàng trăm nghìn bệnh nhân; công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt trên 100%. Tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, các chỉ số hoạt động chuyên môn đều tăng, chất lượng chuyên môn, kỹ thuật tiếp tục được nâng cao, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được triển khai áp dụng đạt kết quả tốt, nhất là đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Mê Linh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực sự trở thành đơn vị kỹ thuật chuyên sâu, thu hút nhiều bệnh nhân ở các tỉnh phía Bắc đến điều trị.
Công tác hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở đang được ngành Y tế Vĩnh Phúc coi là một trong những vấn đề trọng tâm. Hệ thống y tế cơ sở của tỉnh ta hiện nay so với trước khi tách tỉnh đã phát triển một chặng đường dài và căn bản. Từ khi thực hiện chỉ thị 06 của Ban bí thư T.Ư Đảng, thực hiện Nghị quyết số 35/2004/NQ- HĐND ngày 21/12/2004 về thực hiện Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2005 - 2010. Y tế cơ sở đã phát triển về mọi mặt. Hiện tại đã có 132 xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã và thực hiện duy trì rất tốt. Phấn đấu đến hết năm 2010 toàn tỉnh có 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
Đối với công tác y tế dự phòng, ngành Y tế luôn chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đầu tư có chiều sâu cho những xã trọng điểm. Tập trung xây dựng, củng cố và kiện toàn hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở. Cán bộ y tế dự phòng luôn chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh. Năm 2009 công tác y tế dự phòng đã rất thành công trong phòng, chống dịch bệnh như: đại dịch cúm A/H1N1, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm... Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia luôn hoàn thành vượt kế hoạch được giao.
Việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại cũng đạt được nhiều thành tựu. Đã kế thừa và phát huy được nhiều bài thuốc, phương thuốc dân gian có hiệu quả. Bệnh viện Y học cổ truyền được thành lập và phát triển không ngừng. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và huyện đều có khoa y học cổ truyền hoạt động tốt. Các trạm y tế xã đã đạt chuẩn đều có bộ phận khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở hành nghề tư nhân về y học cổ truyền. Hiện tại, ngành Y tế đã đào tạo được nhiều bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền, từng bước hiện đại hoá y học cổ truyền, trồng và di thực được nhiều cây thuốc quý...
Công tác điều dưỡng phục hồi chức năng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hàng năm, Bệnh viện Điều dưỡng PHCN thực hiện điều dưỡng cho các đối tượng chính sách được đánh giá cao về hiệu quả điều dưỡng và tinh thần thái độ phục vụ. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ nâng cao nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực phục hồi chức năng và thực hiện tốt phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Năm 2009 là năm bước đầu thực hiện thành công Đề án 1816 của Bộ Y tế về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới. Đề án này đã giúp bệnh viện tuyến dưới dần nâng cao chất lượng, trình độ cho cán bộ y tế. Một số kỹ thuật chuyên khoa sâu đã áp dụng thành công tại tuyến huyện. Hiện nay đã giảm được khoảng 30% số ca bệnh nặng phải chuyển tuyến trên và giảm quá tải tuyến tỉnh rõ rệt.
Trong nhiều năm qua, Sở Y tế đã tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách và quy chế chuyên môn về lĩnh vực dược. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dược, đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng, đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và hợp lý. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chất lượng thuốc được thực hiện thường xuyên, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ thuốc giả thuốc kém chất lượng lưu hành trên địa bàn tỉnh.
Việc rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của người cán bộ y tế cũng được ngành Y tế Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm. Hàng năm, Sở Y tế đều phát động các phong trào thi đua trong toàn ngành như: nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, học tập và làm theo thư Bác Hồ gửi cán bộ nhân viên ngành Y tế nhân ngày 27/2, học tập tấm gương bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm. Bên cạnh đó, toàn thể cán bộ công nhân viên chức trong ngành thường xuyên được học tập, rèn luyện, thực hiện tốt 12 điều y đức, quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ trong bệnh viện...
Ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu đã đạt được, ngành Y tế Vĩnh Phúc được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua cho ngành Y tế; Năm 2002, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 2009, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho toàn ngành Y tế Vĩnh Phúc, Công ty Cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc năm 2009 đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và rất nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân.
Đạt được những thành tựu to lớn trong 60 năm qua, trước hết là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự quan tâm tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Y tế, sự quan tâm phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể và sự giúp đỡ, ủng hộ to lớn của nhân dân trong tỉnh. Ngành Y tế Vĩnh Phúc đã luôn gắn bó mật thiết với dân, mang đến cho dân những kiến thức cơ bản về y học và những lợi ích thiết thực trong việc chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó là những cố gắng vượt bậc, hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ y tế tỉnh nhà, một bài học kinh nghiệm quý báu nữa đó là ngành Y tế đã định ra được nhiệm vụ chiến lược của ngành trong từng thời kỳ và tìm ra được con đường đi phù hợp với hoàn cảnh KT-XH của tỉnh, của đất nước.