Nguy cơ bùng phát dịch bệnh tai xanh ở lợn - Nhà nuớc quan tâm, dân thờ ơ?

Thứ năm, 13/05/2010 15:00

Trong những ngày dịch bệnh tai xanh ở lợn đang hoành hành ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, chúng tôi đó đi thực tế tại huyện Tam Đảo để khảo sát công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Theo ghi nhận, trong khi huyện Tam Đảo đang cùng các ngành chức năng nỗ lực cho công tác phòng dịch bệnh tai xanh ở lợn, thì chính các hộ chăn nuôi ở địa phương lại thờ ơ với công tác này.

Đồng chí Lê Hồng Vĩnh, Phó phòng NN& PTNT huyện Tam Đảo cho biết: Ngay từ ngày 28/4/2010, UBND huyện Tam Đảo đó có công văn gửi 9 xã, thị trấn trong huyện thực hiện nghiêm túc công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT. Theo đó UBND huyện yêu cầu các địa phương phải tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tai xanh ở lợn đến từng thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Nếu phát hiện có lợn nghi mắc bệnh tai xanh hoặc lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân phải báo cáo khẩn cấp về BCĐ phòng chống dịch của huyện để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm... Công tác thông tin tuyên truyền được UBND huyện tăng cường chỉ đạo với thời lượng phát sóng ít nhất 3 lần/ ngày để người dân nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh tai xanh ở lợn. Chỉ đạo thực hiện tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm và tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt I xong trước ngày 15/5. Chỉ đạo Trạm thú y tăng cường công tác kiểm dịch gia súc, gia cầm và kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật, giám sát chặt chẽ việc nhập gia súc từ nơi khác vào địa bàn….

Mặc dù công tác phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn trong thời gian này luôn được UBND huyện Tam Đảo đặc biệt quan tâm, tuy nhiên vẫn còn một số hộ thờ ơ với nguy cơ bùng phát dịch. Với tâm lý lo sợ thiệt hại về kinh tế (nếu bị tiêu huỷ) đồng thời ý thức về công tác phòng, chống dịch còn hạn chế nên một số hộ tỏ ý bất hợp tác với cán bộ thú y. Do đó việc giám sát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Cụ thể ở huyện Tam Đảo có tình trạng lợn chết không rõ nguyên nhân bị vứt bừa bãi ra đường, thậm chí là dưới suối (rất ít khi được đem chôn). Các hộ gia đình có lợn chết đều tự “xử lý” mà không báo với thú y viên hoặc chính quyền địa phương nên việc xác định vùng dịch và xác định bệnh (nếu có) rất khó khăn. Đồng chí Lê Hồng Vĩnh bức xúc cho biết: Thậm chí cán bộ huyện xuống kiểm tra thực tế nhưng một số chủ trang trại cương quyết không cho vào.

Việc lấy mẫu để giám định tiếp tục gặp khó khăn và chưa được thực hiện vì không có hộ gia đình nào lên tiếng thông báo có lợn chết. Trạm thú y cũng không thể tuỳ tiện lấy mẫu lợn chết ở ngoài đường để đem về làm xét nghiệm được. Đồng chí Lê Hồng Vĩnh cho biết thêm: Thực tế huyện Tam Đảo có lợn chết thật, nhưng “chết ở ngoài đường” thì chưa chắc đó phải là của Tam Đảo, bởi có thể nó được đưa về từ các nơi khác (giáp ranh giữa các huyện). Do vậy điều quan trọng là phải xác định được địa chỉ cụ thể để khoanh vùng (nếu có dịch). Nếu không xác định được vùng nghi dịch mà phun thuốc khử trùng bừa bãi thì rất tốn kém mà không hiệu quả…

Để khắc phục tình trạng trên, Phòng NN&PTNT huyện Tam Đảo đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh đến từng thôn, xóm. Tổ chức, tập huấn cho trên 600 nông dân về cách phòng chống dịch bệnh cho gia súc. Tăng cường lực lượng giám sát dịch bệnh tại các thôn, xóm gồm cán bộ thú y, cán bộ khuyến nông cơ sở, trưởng thôn. Tiêm vắc xin phòng các bệnh kế phát. Vận động các cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình phát quang bụi rậm xung quanh chuồng trại, khơi thông cống rãnh, thường xuyên thu gom phân rác, chất độn chuồng để chôn hoặc đốt, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi và phụ cận một tuần một lần… để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực