Ngày 04/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29), dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả rất tích cực, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao.
|
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn trao thưởng cho 11 học sinh đoạt giải Nhất Quốc gia năm học 2020-2021 (Ảnh: PV) |
Ngay sau khi Nghị quyết số 29-NQ/TW được ban hành, Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết. Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 29 vào tình hình thực tế của tỉnh, trong 10 năm qua, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành 16 văn bản, HĐND tỉnh ban hành 18 Nghị quyết; UBND tỉnh đã ban hành hơn 67 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các chủ trương, chính sách “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của tỉnh, giáo dục Vĩnh Phúc những năm gần đây luôn giữ vững vị trí trong nhóm những tỉnh đứng TOP đầu cả nước về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, Vĩnh Phúc đã đạt được những chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Vĩnh Phúc ngày càng hướng tới phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Cơ sở vật chất trường học và trang, thiết bị giảng dạy được tăng cường đầu tư theo chiều sâu, từng bước đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, về cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy - học của GV và HS. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh: Năm 2020, toàn tỉnh đã có 100% trường công lập từ mầm non đến THPT được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVI; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tính đến tháng 6/2023, Vĩnh Phúc đã công nhận đạt Chuẩn Quốc gia đối với 191 trường (chiếm tỉ lệ 39,4%) và theo lộ trình đến hết năm 2025 sẽ đạt 70%. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện để mọi người dân đều có cơ hội được học tập thường xuyên, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, kinh doanh.
Giáo dục Vĩnh Phúc phát triển theo hướng mở, học tập suốt đời, người dân Vĩnh Phúc có nhiều cơ hội để lựa chọn học tập. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục được phát triển, cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng được mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân, nhất là trẻ mầm non và các nhóm đối tượng yếu thế. Chất lượng dạy và học ở các bậc học được duy trì ở mức cao. Học sinh Vĩnh Phúc nhiều năm liên tục đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế và khu vực. Chất lượng phổ cập giáo dục luôn ở mức cao. Công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT đạt kết quả tốt. Có bước đột phá trong công tác xã hội hóa giáo dục. Tăng cường xúc tiến đầu tư, chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo. Công tác xây dựng và phát triển Đảng trong trường học luôn được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo. Đến nay, 100% các trường Cao đẳng có Đảng bộ; 100% các trường THPT, TTGDNN - GDTX, các trường THCS, các trường tiểu học, các trường MN có tổ chức Chi bộ Đảng.
Việc đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học được chú trọng: Vĩnh Phúc đã đạt mục tiêu 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN, có kiến thức cơ bản và tự tin vững bước vào lớp 1. Là tỉnh thứ 4 toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi năm học 2012-2013, đạt vượt mục tiêu trước 2 năm. Chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục duy trì ở mức cao, giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà được nâng lên qua các năm học ở tất cả các cấp học. Trong nhiều năm học gần đây Vĩnh Phúc có điểm bình quân các bài thi trong kì thi THPT cao nhất cả nước. Việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học được quan tâm, theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học.
Hình thức thi, kiểm tra và đánh giá, xếp loại kết quả học sinh trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GDĐT, đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục đạt kết quả cao và nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT (trong 3 năm gần đây điểm trung bình các bài thi tốt nghiệp THPT của tỉnh luôn xếp trong tốp 5 toàn quốc; năm học 2021-2022, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT của tỉnh xếp thứ 2 toàn quốc, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 99,97%, cao nhất từ trước đến nay; năm 2023 xếp thứ Nhất toàn quốc). Chất lượng bồi dưỡng HS giỏi được giữ vững và nâng lên. Kết quả thi học sinh giỏi và thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đạt thành tích tốt, luôn duy trì trong TOP đầu cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn; nhiều năm có học sinh dự thi và đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi Olympic khu vực và quốc tế, đặc biệt trong 2 năm gần đây đạt 5 giải Quốc tế.
Việc đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng được nâng lên. Tỉnh đã chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nên tăng về số lượng, đảm bảo về chất lượng và ngày càng đồng bộ về cơ cấu. Đến nay toàn tỉnh có 17.690 CBQL, GV, NV (CBQL 1.277 người; Giáo viên 14.977 người, nhân viên 1.436 người). Tỉnh thực hiện chế độ chính sách ưu đãi đối với nhà giáo và CBQL giáo dục, HĐND tỉnh đã ban hành các chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có đối tượng GV và CBQLGD. Tổng nguồn kinh phí đối tượng nhà giáo được hưởng từ các nghị quyết nêu trên là 12.140.700.000 đồng. Đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới công tác kiểm tra đánh giá; đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển sinh đầu cấp và thi học sinh giỏi cấp tỉnh, tạo sự chuyển biến căn bản và toàn diện trong công tác tổ chức dạy và học. Kỷ cương, nền nếp, hiệu lực công tác quản lý được tăng cường. Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; thực hiện đánh giá chất lượng thực của học sinh, chất lượng giảng dạy của giáo viên và tổ chức thí điểm đánh giá cán bộ quản lý bằng sản phẩm.
Tỉnh đã thực hiện tốt việc đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo. Ngân sách chi cho GDĐT theo đúng quy định (chiếm 20% tổng chi ngân sách của tỉnh), ngân sách đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 gần 4.000 tỷ. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý được quan tâm chỉ đạo; trong 10 năm, các nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực giáo dục đã tổ chức nghiên cứu 14 nhiệm vụ cấp tỉnh.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, Vĩnh Phúc đã đạt nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực và ổn định ở mức cao. Bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo và các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, các cấp, ngành mà trọng tâm là Ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều nỗ lực đưa giáo dục, đào tạo của tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ, thực hiện tốt cả 3 mục tiêu: Nâng cao dân trí; đào tạo nhân lực; bồi dưỡng nhân tài.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Việc bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho từng trường, lớp ở một số địa phương còn bất cập, dàn trải, hiệu quả không cao. Hệ thống trường học các cấp của tỉnh xây dựng trước đây hầu hết chưa bảo đảm về quy mô diện tích, quy hoạch xây dựng, mật độ xây dựng chưa phù hợp. Một số chương trình, dự án đầu tư cho GDĐT còn chậm hoặc chưa thể triển khai trong khi có nhu cầu bức thiết. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết triệt để. Chất lượng giáo dục đại trà tuy có nhiều tiến bộ nhưng chưa đồng đều giữa các cấp học, các địa phương...
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc xác định một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục; tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện phổ thông. Thực hiện có hiệu quả, thực chất việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập TH đúng độ tuổi, phổ cập THCS, từng bước phổ cập mẫu giáo 4 tuổi; làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học; giảm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT từ 70% hiện nay còn 60% vào các năm học tiếp theo.../.