“Khi xưa, những người lính đã cùng nhân dân chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, nay họ lại cùng bà con xây dựng quê hương giàu đẹp. Dù trong hoàn cảnh nào, những người cựu chiến binh vẫn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ...”. Đó là lời khen mà ông Phan Trần Đức, Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) dành cho những cựu chiến binh đang vươn lên làm giàu trên quê hương Tam Đảo.
Vẫn giữ nguyên “chất lính” trong tác phong, lời nói, cựu chiến binh Trần Oai Bốn, thôn Đồng Lính, xã Đại Đình khiến chúng tôi có cảm giác thật gần gũi dù mới chỉ lần đầu gặp gỡ...
Dẫn chúng tôi tới thăm khu nhà nghỉ của mình tại khu du lịch Thác Bạc, Tây Thiên, ông Bốn bồi hồi nhớ lại những năm tháng đầy khó khăn, vất vả khi mới rời quân ngũ. Ông kể: Trở về quê hương mới hai bàn tay trắng, thử làm đủ nghề vẫn cứ thấy cái đói, cái nghèo bám riết lấy gia đình. Nhưng bản lĩnh người lính bao năm lăn lộn ngoài chiến trường và quyết tâm vượt qua đói nghèo luôn là động lực giúp tôi vượt lên tất cả. Vừa động viên gia đình, anh em trong thôn, xóm dùng sức lực cuốc đất lật cỏ, làm ruộng khoán, vỡ hoang những nơi cỏ rậm, cấy lúa, trồng ngô, khoai sắn lấy ngắn nuôi dài, tôi vừa nghiên cứu tìm hướng phát triển kinh tế bằng cách chăn nuôi lợn gà, trâu bò... Năm 1984, gia đình tôi đã xây dựng được 5 gian nhà cấp 4 với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt”.
Khi kinh tế gia đình ổn định, được sự tín nhiệm của bà con thôn xóm, ông Bốn được bầu làm đội trưởng sản xuất, cùng bà con trong đội đổi mới cách quản lý sản xuất, đưa kinh tế các hộ gia đình ngày càng đi lên. Năm 1990, từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo hướng đi mới của kinh tế địa phương là du lịch, dịch vụ nông, lâm, công nghiệp, tranh thủ thời cơ xã Đại Đình là nơi xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, ông Bốn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 300m2 nhà nghỉ cùng 2 xe ôtô du lịch phục vụ chở khách đi du lịch trong và ngoài tỉnh, mua máy xúc, ôtô tải để chở hàng vật liệu dịch vụ… Mô hình kinh tế này không chỉ giúp gia đình ông thu nhập ổn định và xây được nhà cao tầng mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chưa bằng lòng với thành quả gặp hái được, ông Bốn vẫn tiếp tục trăn trở, muốn tìm hướng đi mới cho riêng mình. Năm 1997, ông quyết định mua đất làm gạch ở xã Kim Long, mở cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Ông vay vốn ngân hàng xây 3 vỏ lò, mỗi vỏ lò chứa 15 - 20 vạn viên gạch, mỗi tháng sản xuất 40 - 50 vạn viên, giải quyết công ăn việc làm cho 30 lao động với mức lương khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Khi đã tích lũy được số vốn khá, ông đầu tư mua 40ha rừng của xã Đại Đình, toàn bộ diện tích này được ông cho trồng bạch đàn góp phần xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp. Ông Bốn tiết lộ: “Trong tương lai, tôi sẽ mở thêm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cho du khách tới tham quan, đặc biệt sẽ rất ưu đãi đối với các cựu chiến binh".
Tại vùng đất Hợp Châu, cựu chiến binh Nguyễn Thị Liên ở thôn Đồi Thông được nhiều người biết đến với mô hình kinh doanh kết hợp với chăn nuôi lợn đem lại giá trị kinh tế mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Cũng như nhiều thanh niên khác, khi hoàn thành nhiệm vụ cao cả của người thanh niên, cả hai vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Văn Quyền với mấy sào lúa quanh năm làm lụng vất vả vẫn không đủ trang trải cho 5 thành viên trong gia đình. Bới bản chất người lính, vợ chồng chị luôn suy nghĩ phải vươn lên để thoát nghèo, vừa lao động đồng ruộng vừa buôn bán dịch vụ. Từ khoản vốn được tích lũy từ việc mở quán ăn, năm 1990, vợ chồng chị mua được một ô đất mặt đường làm đại lý cấp I chuyên phân phối thức ăn gia súc, gia cầm phục vụ cho bà con chăn nuôi. Sẵn có nguồn thức ăn, vợ chồng chị Liên xây dựng chuồng trại chăn nuôi từ 80 - 100 con lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. Từ làm dịch vụ cho đại lý thức ăn gia súc cấp I kết hợp chăn nuôi và tăng gia sản xuất, đến nay, gia đình chị Liên đã mua được 1 xe ôtô tải chuyên chở cám, 1 xe du lịch 7 chỗ trị giá 700 triệu đồng và xây được căn nhà 4 tầng khang trang, tiện nghi đầy đủ, có điều kiện nuôi dạy con cái thành đạt.
Với cung cách làm ăn có kỹ thuật và đem lại giá trị kinh tế cao, mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của vợ chồng chị Liên đã được nhiều nông dân trong thôn, xã học tập, làm theo. Vợ chồng anh chị đã được xã Hợp Châu và huyện Tam Đảo bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo.
Không chỉ gia đình ông Bốn, chị Liên, thời gian qua, phong trào thi đua làm kinh tế giỏi được Hội cựu chiến binh từ huyện đến cơ sở triển khai sâu rộng đã có nhiều tập thể, cá nhân phát triển kinh tế mạnh như: Cựu chiến binh xã Tam Quan với mô hình kinh tế trang trại; cựu chiến binh thị trấn Tam Đảo với mô hình dịch vụ du lịch, khách sạn; cựu chiến binh xã Hợp Châu, Hồ Sơn với chuyển đổi từ trồng cây lúa nước sang trồng rau su su cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện đã có 144 điểm mô hình kinh tế cho thu nhập bình quân 30 - 100 triệu đồng/năm. Phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã mang lại hiệu quả tích cực. Tỷ lệ hộ cựu chiến binh nghèo giảm từ 12,8% năm 2007 xuống còn 5,12% năm 2011; toàn huyện có gần 1.600 gia đình cựu chiến binh có đời sống khá, giàu.