Nông dân Vĩnh Tường phấn khởi vụ xuân thắng lợi

Thứ sáu, 11/06/2010 16:55

 

 Nông dân xã Bình Dương (Vĩnh Tường) thu hoạch lúa xuân, năng suất ước đạt hơn 2 tạ/sào

Những ngày này, về mỗi cánh đồng lúa của huyện Vĩnh Tường đâu đâu cũng bắt gặp nụ cười rạng rỡ của bà con nông dân. Mặc cho cái nắng chói chang đến cháy da, cháy thịt, bà con nông dân từ các xã vùng bãi đến các xã vùng xuôi đều tất bật thu hoạch lúa xuân, không khí lao động sản xuất, thu hoạch lúa sôi động khắp các cánh đồng.

Nhìn những cánh đồng lúa trĩu hạt vàng, chúng tôi cảm nhận được niềm vui được mùa rạng ngời trên nét mặt người nông dân. Lau những giọt mồ hôi đang lăn trên má, chị Chu Thị Dung xã Ngũ Kiên vui mừng cho biết: vụ xuân này, nhà nông chúng tôi mừng lắm, thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít gây hại nên năng suất lúa đạt cao. Với diện tích hơn 3 sào, gia đình đã mạnh dạn ứng dụng kết quả nghiên cứu 2 đề tài khoa học “xác định mật độ cấy lúa hợp lý để thâm canh lúa cao sản” và “điều tiết nước giai đoạn cuối đẻ nhánh để thâm canh tăng vụ lúa cao sản” với giống lúa nghi hương 2308. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sâu hại giảm, cho năng suất đạt từ 250-267kg/sào (tương đương 69,2- 74tạ/ha) cao hơn so với giống lúa đối chứng (khang dân 18) từ 32-34kg/sào, trừ chi phí cho thu lãi gần 1 triệu đồng/sào. Cứ đà này nông dân luôn được no đủ.

Theo bà Lê Thị Hoa, cán bộ khuyến nông xã Ngũ Kiên: Vụ xuân năm 2010, xã Ngũ Kiên gieo cấy được 216ha lúa, trong đó có trên 80% diện tích được HTX nông nghiệp chỉ đạo gieo cấy ở trà xuân muộn bằng các giống chủ lực như khang dân 18, nghi hương 2308, TBR-1... tuy gặp không ít khó khăn về nước tưới và các điều kiện sản xuất ngay từ đầu vụ. Nhưng HTX đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị chức năng cùng theo dõi, chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại. Trong suốt quá trình sản xuất, đội ngũ cán bộ của Phòng NN&PTNT huyện đã bám sát cơ sở để cùng nông dân chăm sóc lúa xuân nói chung và lúa lai nói riêng... qua đó, đã góp phần đưa năng suất lúa toàn xã đạt từ 240-245kg/sào (tương đương 66,4tạ/ha-67,8tạ/ha).

Qua đánh giá kết quả ban đầu, vụ xuân năm nay Vĩnh Tường năng suất lúa bình quân ước đạt 65,29tạ/ha (cao nhất tỉnh), tăng 1,39tạ/ha so với cùng kỳ, tăng 0,29tạ/ ha so với kế hoạch. Sản lượng lúa đạt 42.194tấn đạt 97,5% so với cùng kỳ, tăng 1.031tấn so với kế hoạch. Đồng chí Nguyễn Duy Thơ, cán bộ Trạm khuyến nông huyện Vĩnh Tường cho biết: từ kinh nghiệm của những vụ sản xuất trước, được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh trong việc nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, chủ động tưới tiêu, hỗ trợ giống lúa trong vùng sản xuất hàng hoá tập trung, huyện cũng đã trích kinh phí hỗ trợ một phần cho các địa phương mớ rộng diện tích lúa chất lượng cao để tăng thu nhập, nhờ đó bà con nông dân có điều kiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, tích cực đưa vào gieo cấy các giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt trên diện rộng.

Vụ xuân năm nay, huyện Vĩnh Tường gieo cấy 6.541,7ha lúa đạt 98,37% kế hoạch, trong đó có 693,35ha lúa lai. Ngay từ đầu vụ, Phòng NN&PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất đến các xã, thị trấn, trên cơ sở đó các địa phương đã bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng hợp lý, sát thực tế. Mở rộng trên 80% diện tích trà lúa xuân muộn với các giống chủ lực khang dân 18, Q5, HT1, Syn6, Nghi hương 2308, Bồi tạp Sơn thanh. Cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện tới cơ sở đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nội dụng Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ, trong đó trọng tâm vào mở rộng vùng sản xuất hàng hoá, tập trung các giống có năng suất, chất lượng cao; áp dụng KHKT vào sản xuất; bố trí cơ cấu giống có năng suất cao và thời vụ gieo trồng hợp lý; tăng cường các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ xuân; mở rộng diện tích sử dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng; áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng” trên cấy lúa.

Huyện đã triển khai mô hình mở rộng ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài khoa học về mật độ cấy hợp lý và điều tiết nước giai đoạn cuối đẻ nhánh để thâm canh lúa cao sản, quy mô 50ha, ở các xã Việt Xuân, Bồ Sao, Tân Tiến, Đại Đồng, Cao Đại, thị trấn Thổ Tang, Tân Cương, Vĩnh Thịnh... cho năng suất ước đạt 245-260tạ/ha (tương đương 67,8-72tạ/ha); vùng trồng trọt sản xuất hàng hoá tập trung, với giống lúa chất lượng cao hương thơm số 1, quy mô 562,15ha (tăng 308,15ha so với cùng kỳ) ở các xã Kim Xá, Chấn Hưng, Cao Đại, Đại Đồng, Yên Lập, Yên Bình, Bồ Sao, Tân Cương, Nghĩa Hưng, Vĩnh Sơn, thị trấn Thổ Tang, Thượng Trưng, Tam Phúc... cho năng suất ước đạt 230-235kg/sào (tương đương 63,7-65tạ/ha); 142,8ha giống lúa thuần năng suất cao TBR-1, ở các xã Ngũ Kiên, Chấn Hưng, Vũ Di, Đại Đồng, Cao Đại... năng suất ước đạt 240-245kg/sào (tương đương 66,4-67,8tạ/ha); mô hình trình diễn giống lúa lai Nghi hương 2308, quy mô 125,1ha, ở 22 xã, thị trấn... cho năng suất ước đạt 260-275kg/sào (tương đương 72-76tạ/ha).

Bên cạnh đó, Trạm Bảo vệ thực vật huyện cũng đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, bám sát địa bàn nhằm phối hợp với chính quyền cơ sở theo dõi sự phát triển của cây lúa và có sự hướng dẫn cho nông dân phun các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng theo sự chỉ định của các nhà khoa học, vì vậy đề phòng tốt với các loại dịch bệnh, ngành chức năng cũng đã quán triệt tới nhà nông việc mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở những địa chỉ, đại lý phân phối uy tín nhằm đảm bảo chất lượng, tránh mua phải phân bón giả.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực