Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ, trong vụ Đông Xuân 2018 – 2019, toàn tỉnh đã gieo trồng gần 38.784 ha cây hằng năm. Dù chỉ đạt trên 98% kế hoạch song về cơ bản, năng suất các loại cây trồng đều cao hơn cùng kỳ năm trước, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất toàn vụ đạt trên 2.230 tỷ đồng.
Cần thực hiện nghiêm, đồng bộ các giải pháp đảm bảo mục tiêu gieo trồng đề ra (Ảnh: PV)
Để có kết quả trên, ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2018 - 2019, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; làm tốt công tác bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, thủy lợi, cung ứng giống cây trồng và vật tư, phân bón. Toàn tỉnh đã tổ chức 32 lớp tập huấn cho 2.540 lượt nông dân về kỹ thuật thâm canh, chăm sóc lúa cấy máy, kỹ thuật thâm canh cây ăn quả; 10 hội nghị tham quan đầu bờ, tổng kết mô hình với 1.050 người tham gia; 9 lớp FFS cho 315 lượt nông dân tiêu biểu của tỉnh về chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây lúa và cây ăn quả; cung ứng gần 900 tấn giống lúa, ngô các loại.
Các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục được chỉ đạo triển khai và phát huy hiệu quả tích cực. Trong vụ, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ giá, trợ cước cho nông dân mua trên 195,8 tấn lúa giống các loại, 406 máy phục vụ sản xuất nông nghiệp và gần 1.100 ha sản xuất rau, quả hoàng hóa an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn khá nhiều những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh như: Việc triển khai các chủ trương, chính sách ở một số địa phương còn chậm, không đảm bảo kế hoạch; quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất diễn ra chậm, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều; việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất thấp; lĩnh vực bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa được chú trọng đầu tư, khả năng cạnh tranh sản phẩm trồng trọt còn thấp; một số nơi người dân chưa thực sự quan tâm tới công tác phòng, chống dịch hại…
Trên đà thành công của vụ Đông Xuân 2017-2018, trong vụ mới, Sở đưa ra mục tiêu toàn tỉnh gieo trồng 38.700 cây hằng năm, tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 198.570 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 2.260 tỷ đồng trong vụ Đông Xuân 2019 – 2020.
Để làm được như vậy, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đưa ra nhóm giải pháp bao gồm: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây hàng hóa có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định; tích cực tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, định hướng của tỉnh về sản xuất nông nghiệp; làm tốt các dịch vụ phục vụ sản xuất gắn liền với công tác quản lý Nhà nước. Đồng thời, quan tâm đặc biệt tới công tác đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm; chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm trồng trọt; từng bước đăng ký mã vùng, đăng ký thương hiệu cho một số sản phẩm hàng hóa của tỉnh.