Phát triển kinh tế đồi rừng ở Trung Mỹ

Thứ ba, 31/05/2011 11:04

Trung Mỹ là một xã miền núi của huyện Bình Xuyên, những năm trước đây, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do chủ yếu kinh tế phụ thuộc vào nghề nông. Một vài năm trở lại đây, nhờ áp dụng tốt tiến những tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống cây, con mới vào sản xuất, lĩnh vực nông nghiệp của xã đã có những bước tiến vượt bậc. Đảng ủy, UBND xã cũng xác định kinh tế đồi rừng là một trong những thế mạnh để xóa đói giảm nghèo.

Toàn xã hiện có tổng số 3189,8 ha đất rừng, trong đó có hơn 2.200 ha diện tích rừng đặc dụng, 823 ha rừng sản xuất là 823,85ha. Năm 2010, xã đã trồng được 38 ha rừng, chủ yếu là rừng trồng lại.

Anh Lưu Văn Thịnh – cán bộ khuyến nông xã Trung Mỹ cho biết: “Năm 2007, xã bắt đầu thực hiện mô hình trồng rừng phát triển kinh tế bằng cây bạch đàn mô được người dân trong xã rất hưởng ứng và bước đầu cho những kết quả rất khả quan. Nhận thấy được giá trị kinh tế của cây bạch đàn mô hơn hẳn so với cây bạch đàn trồng bằng hạt và bạch đàn tái sinh nên qua các năm 2008, 2009 mô hình trồng rừng bằng bạch đàn mô vẫn được tiếp tục triển khai tại xã. Đến nay, hầu như toàn bộ diện tích đất rừng sản xuất đều chuyển đổi sang trồng bạch đàn mô. Cây bạch đàn mô được xác định là cây chủ lực trong việc phát triển kinh tế đồi rừng”.

Để việc trồng rừng phát triển sản xuất được đẩy mạnh như ngày hôm nay, phải kể đến những đóng góp không nhỏ của các cấp, các ngành có liên quan mà trực tiếp là cán bộ xã Trung Mỹ và hạt kiểm lâm Bình Xuyên, trong việc tuyên truyền cổ động người dân tích cực trồng và bảo vệ rừng. Ông Hoàng Gia Thục – Hạt trưởng hạt kiểm lâm Bình Xuyên cho biết: “Để nâng cao được ý thức người dân trong việc trồng và bảo vệ rừng, chúng tôi thường xuyên mở các lớp, các buổi họp để phổ biến về chủ trương, chính sách của nhà nước; phổ biến những quyền lợi mà người dân được hưởng trong việc tích cực bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2011 này, chúng tôi bắt đầu triển khai dự án “ Hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất huyện Bình Xuyên giai đoạn 2010 -2015”. Theo dự án này, nhà nước sẽ hỗ trợ 100% giống cây. Cứ mỗi ha đất rừng sản xuất sẽ được hỗ trợ 1600 cây giống bạch đàn mô. Sau khi làm việc với cán bộ xã, chúng tôi trực tiếp mở các lớp tập huấn đến từng người dân có đất rừng để phổ biến sâu rộng chính sách của nhà nước đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây giống”.

Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó chủ tịch UBND xã Trung Mỹ tâm sự: “Mấy năm gần đây, việc phát triển kinh tế đồi rừng ở Trung Mỹ diễn ra rất tốt. Mỗi hecta rừng bạch đàn mô sau 1 chu kỳ sản xuất từ 4 đến 5 năm cho thu nhập khoảng 40-45 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể đối với mỗi hộ gia đình ngoài thu nhập từ làm ruộng. Rừng sản xuất ở Trung Mỹ hiện tại đã được quy hoạch vì vậy không có rừng trồng mới mà chủ yếu là rừng trồng lại sau khi khai thác, bây giờ nếu chỉ trông chờ vào làm ruộng mà không có rừng là đói, mà không phải ai cũng có nhiều rừng mà trồng đâu nhé!

Với giá hiện tại từ 1200 -1400 đồng một cây giống thì việc hỗ trợ của nhà nước thực sự rất hiệu quả, vì đã khuyến khích việc phát triển trồng rừng sản xuất của người dân. Điều đó đã lý giải tại sao trong khi ngồi trao đổi với anh cán bộ khuyến nông xã, tôi quan sát thấy có rất nhiều người dân hăm hở đến đăng ký lấy giống cây hỗ trợ và trên khuôn mặt hiện rõ vẻ lo lắng nếu không đăng ký được kịp thời.

Rõ ràng, việc phát triển kinh tế đồi rừng đang đóng góp một cách tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của người dân xã Trung Mỹ nói riêng và người dân huyện Bình Xuyên nói chung. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống người dân bằng nghề rừng, ngoài nỗ lực của bà con nông dân, sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, chúng ta cần tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ cho trồng rừng, xây dựng thêm các mô hình điểm để nhân dân cùng làm theo./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực