(ĐCSVN) - 5 năm qua, phong trào phụ nữ và hoạt động công tác hội luôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều đổi mới, sáng tạo và phát triển, đã tạo ra động lực mới góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh luôn bám sát các định hướng của TƯ Hội và của Tỉnh ủy; đã vận dụng sáng tạo chủ trương đường lối, Nghị quyết của Đảng, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động với phương châm tập trung, xuyên suốt “hướng mạnh về cơ sở”. Các cấp hội đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hội Phụ nữ các cấp đã bám sát yêu cầu nội dung và tiêu chuẩn của phong trào thi đua để chỉ đạo, thực hiện và được cụ thể hóa, phù hợp với từng đối tượng hội viên, phụ nữ ở địa phương, đơn vị đã thu hút 100% cán bộ, 95% hội viên và 51% phụ nữ đăng ký thực hiện.
Trong 5 năm qua, đã có 181.159 (đạt tỷ lệ 98%) các bộ, hội viên được tuyên truyền, học tập 3 nội dung của phong trào. Kết quả bình xét đã có 107.956 (đạt tỷ lệ 85,4%) cán bộ, hội viên đạt 3 tiêu chuẩn của phong trào; trong đó có 113.412 cán bộ, hội viên phụ nữ đạt danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc 5 năm”; 4.272 cán bộ hội được cấp Giấy chứng nhận “Cán bộ hội cơ sở giỏi”. Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tính đến nay toàn tỉnh đã có 125/138 cơ sở hội xây dựng được 125 mô hình như:“Ống tiền tiết kiệm “Heo nhựa nghĩa tình”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Tiết kiệm phế liệu” với số tiền tiết kiệm hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ các gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho hội viên phụ nữ luôn được các cấp hội chú trọng triển khai các nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm nhằm giúp cho phụ nữ nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các cấp hội, đơn vị nữ công đã tập trung tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị BCH TƯ Đảng (khoá X); Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ trẻ em nuôi dạy con tốt”; Đề án “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27/12/2006 của Tỉnh uỷ về “Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020”...
Hình thức tuyên truyền luôn được đa dạng hóa, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại như: Truyền thông trực tiếp tại địa bàn dân cư, thông qua các lễ hội truyền thống, mít tinh, tọa đàm, hội thi, sinh hoạt chi, tổ, phụ nữ, tài liệu, sách, báo, tạp chí, Bản tin phụ nữ...; phối hợp với các cơ quan tuyên truyền như Đài, Báo TƯ, địa phương tăng thời lượng phát sóng, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giới thiệu nhiều mô hình hay, gương phụ nữ điển hình, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống, xã hội; các nội dung, phương thức hoạt động hiệu quả của các cấp hội. Tích cực vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; chỉ đạo các cấp hội tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng của các tầng lớp phụ nữ và nhân dân, tập trung vào những địa bàn khó khăn, những nơi đền bù giải phóng mặt bằng, phát triển khu công nghiệp... để tham mưu đề xuất với cấp uỷ, chính quyền để giải quyết những bức xúc ngay tại cơ sở.
Các cấp hội phụ nữ của tỉnh cũng đã tích cực trong việc tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em; phát huy tốt vai trò đại diện tổ chức hội, tham gia các Ban chỉ đạo, Hội đồng tư vấn, thực hiện quy chế dân chủ, đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung chỉ đạo có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát những chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ như: Giám sát việc thực hiện Nghị quyết của HĐND về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; xây dựng gia đình văn hóa, cơ chế trong giáo dục mầm non, thực hiện chế độ, chính sách đối với người học nghề, lao động nữ ở một số địa phương, đơn vị trong tỉnh…; tham mưu với cấp ủy, chính quyền các vấn đề như: Trợ cấp khó khăn cho phụ nữ nghèo, trẻ em mồ côi, phụ nữ tật nguyền... phụ cấp cho Chi hội trưởng phụ nữ và tăng phụ cấp cho Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở. Bên cạnh đó, các cấp hội còn chủ động giới thiệu cán bộ nữ để cấp ủy Đảng các cấp xây dựng quy hoạch và xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp;cán bộ nữ, cán bộ hội từng bước được trưởng thành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hội LHPN tỉnh đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận 22/KL-TU về việc Tiếp tục thực hiện Đề án số 03 về Công tác cán bộ nữ giai đoạn 2005- 2010 và xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-BCT của Bộ Chính trị...; phối hợp triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ Vĩnh Phúc giai đoạn 2006-2010.
Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập được mở rộng, đổi mới thiết thực, hiệu quả và bền vững: mô hình giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, giúp hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được triển khai ở 100% cơ sở hội. Tính đến nay các cấp hội trong tỉnh đang quản lý trên 570 tỷ đồng (tăng trên 400 tỷ đồng so với năm 2006) giúp 60 ngàn lượt phụ nữ vay phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tỉ lệ hoàn trả đạt trên 98%. Hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm được các cấp hội duy trì thực hiện ngày càng hiệu quả. Các cấp hội trong tỉnh đã bám sát định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và Nghị quyết HĐND tỉnh, tích cực tổ chức các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ....
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ giữ gìn bản sắc tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Phối hợp với các ngành tổ chức nhiều hoạt động và tổ chức cho phụ nữ đăng ký thực hiện xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với với thực hiệncuôc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái. Phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện các chương trình, hoạt động hướng vào mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình; tham gia các chương trình tiêm chủng mở rộng, bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ; tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho phụ nữ, trẻ em nghèo; tổ chức hội thi kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiến thức về môi trường, phòng chống bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ trẻ em...
Công tác xây dựng, phát triển tổ chức hội vững mạnh được tập trung chỉ đạo. Các cấp hội đã thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hoá các loại hình tập hợp, thu hút hội viên.đã tập trung quan tâm tới đối tượng phụ nữ đặc thù, tập hợp xây dựng hội viên nòng cốt là dân tộc, tôn giáo; đặc biệt có nhiều hình thức sinh hoạt phù hợp như: Nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm, CLB văn hoá - văn nghệ, CLB nữ chủ nhà trọ... Tính đến tháng 6/2011, tổng số hội viên toàn tỉnh hiện nay là 184.857 hội viên đạt tỷ lệ 76,8% (tăng 3,9 % so với năm 2006); Tổng số hộ gia đình có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên có hội viên là 169.819 hộ đạt tỷ lệ 80%; cơ sở hội xếp loại xuất sắc đạt tỷ lệ 67,4%, cơ sở xếp loại vững mạnh đạt tỷ lệ 32,6%, không có cơ sở trung bình và yếu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đặc biệt chú ý đội ngũ cán bộ hội Phụ nữ cơ sở và cán bộ hội mới được kiện toàn sau Đại hội phụ nữ; Các cấp hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác hội cho 100% Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ nữ cơ sở; 100% cán bộ hội là Uỷ viên Ban chấp hành, tổ trưởng phụ nữ... Phối hợp với trường Chính trị tỉnh mở lớp Trung cấp Công tác xã hội cho 53 học viên là cán bộ nguồn, cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở. Đến nay, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Hội được nâng lên rõ rệt, 100% cán bộ chủ chốt cấp tỉnh có trình độ chuyên môn đại học, cao cấp lý luận chính trị; 95% cán bộ chủ chốt cấp huyện, thành, thị có trình độ chuyên môn đại học, trung cấp lý luận chính trị trở lên; 76% cán bộ hội chủ chốt cơ sở có trình độ văn hoá THPT; 40,8% có trình độ trung cấp chuyên môn và 45% có trình độ trung cấp lý luận chính trị.
Nhìn chung trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ hội cấp tỉnh và huyện đã cập chuẩn, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác Hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đặc biệt các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh còn tích cực tham gia có hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua.
Có thể nói, những thành tựu đạt được của phong trào phụ nữ và công tác Hội Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc trong 5 qua được ghi nhận bằng các danh hiệu cao quý: Hội LHPN tỉnh vinh dự được Nhà nước tặng thuởng Huân chương Độc lập hạng Ba; Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, Cờ thi đua xuất sắc 5 năm của TƯ Hội LHPN Việt Nam; hàng ngàn tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành.