Sau 10 năm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Thứ năm, 16/09/2010 15:14

10 năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Phúc, trở thành cuộc vận động lớn và đạt nhiều kết quả quan trọng như: xây dựng gia đình văn hóa; làng, xã, khu phố văn hóa; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; thực hiện công sở, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang có nếp sống văn hóa; phong trào học tập, lao động sáng tạo; xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội...

Để phong trào thực sự đi vào chiều sâu và có hiệu quả, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có hệ thống văn bản về văn hoá, tạo thuận lợi về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng văn hoá cơ sở. Đồng thời thành lập, kiện toàn BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" tới các sở, ngành, đoàn thể và các huyện, thị. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng và phát triển về kinh tế của tỉnh đã tạo điều kiện, tiền đề quan trọng thúc đẩy sự nghiệp văn hoá nói chung và phong trào xây dựng GĐVH, làng văn hoá, đơn vị văn hoá nói riêng. Đến nay, 100% các huyện, thị thành lập Ban chỉ đạo và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo cấp xã. Ban chỉ đạo các cấp đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phong trào với nhiều hình thức phong phú và hiệu quả.

Trên cơ sở hệ thống văn bản chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thành, thị có đề án, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện phong trào phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: huyện Yên Lạc xây dựng đề án huyện văn hoá, các huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Yên đều có đề án và kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh uỷ, Nghị quyết 07, Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh về xây dựng văn hoá cơ sở. Thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua đã xuất hiện hàng nghìn gương "Người tốt, việc tốt". Đây là một trong những nét đẹp văn hoá tạo ra hạt nhân tích cực, góp phần xây dựng con người về tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh; Xây dựng hàng trăm điển hình tiên tiến, tạo ra các điểm sáng văn hoá, các mô hình mẫu để nhân rộng phong trào. Việc thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW, Chỉ thị 03-CT/TU được người dân chấp hành nghiêm, đã tạo ra những chuyển biến tiến bộ, nhất là ở khu vực nông thôn. Một số điển hình về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang như: Thị trấn Yên Lạc, Hợp Thịnh, Đình Chu, Thanh Lãng...

Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" là một trong những nội dung của phong trào đã có sức lôi cuốn người dân hưởng ứng, phát huy tinh thần đoàn kết ở các cộng đồng dân cư, tương thân, tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế xoá đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa cũng như phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch vững mạnh.

Trong những năm qua, nền kinh tế của Vĩnh Phúc có bước phát triển mạnh với tốc độ cao, song các phong trào xây dựng Gia đình văn hoá, đơn vị văn hoá… được định hướng phát triển theo 3 vùng đặc trưng đồng bằng, đô thị, miền núi. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 152 nhà văn hoá xã, 1.094 Nhà văn hoá làng, thôn, khu phố. Dẫn đầu phong trào xây dựng Nhà văn hoá là huyện Lập Thạch có 29/36 xã có nhà văn hoá, 340/389 thôn có nhà văn hoá; huyện Yên Lạc, Tam Dương, Bình Xuyên cũng là những đơn vị xây dựng được nhiều thiết chế văn hoá. Toàn tỉnh có 1.367/1.392 làng, thôn, khu phố xây dựng được hương ước, quy ước, năm 2000 có 157.099/238.081 gia đình (đạt 65%), thì năm 2009 có 188.595/232.560 gia đình (đạt 81.1%); năm 2000 có 249/876 làng, khu phố (đạt 28%), năm 2009 có 771/1.304 làng, khu phố đạt làng Văn hoá, trong đó có 319 làng văn hóa xuất sắc được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Phong trào xây dựng đơn vị văn hoá ngày càng phát triển góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Đến năm 2009 có 657/709 đơn vị đạt đơn vị văn hoá, bằng 92,6%, trong đó có 56 đơn vị văn hoá xuất sắc được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận đơn vị văn hoá, điển hình như: Bệnh viện Lao và Phổi Phúc Yên, Trường THPT Trần Phú, THPT Ngô Gia Tự, Sở Xây dựng, Bưu điện tỉnh, Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc; Công ty Prime Group Vĩnh Phúc; Công ty Ống thép Việt Đức…

Bên cạnh đó, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, tôn tạo các di tích được coi trọng, quan tâm. Toàn tỉnh có 1.264 di tích, trong đó có 65 di tích quốc gia, 222 di tích tỉnh. 10 năm qua, nhiều di tích trọng điểm được quy hoạch: Đền Hai Bà Trưng, di tích văn hoá - danh thắng Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, chùa Hà, đền Thính, di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, cụm đình Hương Canh, chùa tháp Bình Sơn; đồng thời tu bổ, tôn tạo được 77 di tích tiêu biểu.

Với sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, sự đoàn kết, tự giác của nhân dân các địa phương, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, có tác dụng trực tiếp đến cách nghĩ, lối sống và tinh thần của nhân dân nói chung, các cơ quan đơn vị nói riêng, từng bước ngăn chặn sự thoái hoá về tư tưởng, đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng môi trường văn hoá ngày càng lành mạnh trên địa bàn toàn tỉnh. Đây cũng là động lực nhằm thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua và những năm tiếp theo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực