Hiện nay, với việc sử dụng nhiều loại phân bón được sản xuất từ các nhà máy như phân đa dinh dưỡng, phân hóa học, phân lân vi sinh... đã làm cho đại bộ phận nông dân bỏ đi tập quán tốt là bón phân hữu cơ cho đồng ruộng.
Do một mặt chăn nuôi phát triển, mặt khác phân thải động vật ít được sử dụng bón cho lúa nên lượng phân thải động vật nuôi bị dư thừa rất lớn đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Để giúp nông dân xử lý tốt vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, 4 năm qua Trung tâm Tài nguyên và bảo vệ môi trường Vĩnh Phúc đã thực hiện tuyên truyền và hỗ trợ xây dựng 484 mô hình hầm biogas ở các địa phương trong huyện. Những năm trước đây, bằng nguồn vốn đầu tư của tỉnh, Trung tâm đã hỗ trợ 20% kinh phí đầu tư cho những hộ gia đình chăn nuôi nhiều để xây dựng hầm biogas. Ngoài sự hỗ trợ của Trung tâm Tài nguyên và bảo vệ môi trường Vĩnh Phúc, một số tổ chức hội, đoàn thể khác trên địa bàn cũng có chương trình hỗ trợ và hướng dẫn cho nông dân sử dụng hầm khí biogas. Nhờ đó, nông dân nhận thức được tác dụng của việc sử dụng hầm biogas trong đời sống để tự đầu tư xây dựng nhân rộng mô hình. Đến nay, hầm biogas đã được nông dân sử dụng rộng rãi trong nông thôn và đặc biệt là các trang trại, gia trại chăn nuôi. Đầu tư xây dựng hầm biogas không chỉ xử lý tốt môi trường trong chăn nuôi mà còn tạo ra nhiều lợi ích kép như khí đốt, điện thắp sáng, góp phần tăng quy mô chăn nuôi, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển.
Qua kết quả sử dụng hầm biogas cho thấy với những gia đình chăn nuôi nhiều, nguồn phân dồi dào, công trình biogas giải quyết rất tốt về vấn đề xử lý phân thải của vật nuôi. Môi trường không khí, nguồn nước mặt không bị ô nhiễm, vệ sinh chăn nuôi, chuồng trại sạch sẽ có tác dụng thúc đẩy tốt tốc độ tăng trọng của vật nuôi. Khí biogas cung cấp nguồn nhiên liệu khí đốt thỏa mãn nhu cầu đun nấu và thắp sáng, nâng cao hiệu quả kinh tế và điều kiện sống cho nông dân. Sử dụng khí biogas, nông dân không phải sử dụng nguồn nguyên liệu củi làm chất đốt cũng góp phần tốt trong việc bảo vệ rừng và giảm chi phí mua củi, công kiếm củi, giảm sự ô nhiễm môi trường do sử dụng củi làm chất đốt. Lượng phân sau khi đã qua phân huỷ ở hầm biogas sử dụng bón cho các loại cây trồng rất tốt, ít bị các mầm bệnh sống ở phân gây hại cho cây trồng.
Hiện nay, chi phí xây dựng hầm biogas không lớn lắm, khoảng 7 triệu đồng/ hầm có dung tích từ 12-15 khối. Với mức kinh phí này thì hộ gia đình chăn nuôi ở nông thôn đầu tư không khó. Điều quan trọng là hiệu quả của hầm biogas đưa lại là rất lớn.
Trong điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, quy mô sản xuất lớn cần phải chú trọng đến việc xử lý môi trường thì mới phát triển được nền nông nghiệp bền vững. Hầm biogas có đóng góp nhiều trong xử lý môi trường đối với sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi ở nông thôn./.