Tác động của dịch bệnh tai xanh đến đời sống người dân

Chủ nhật, 23/05/2010 21:59

 

 Cán bộ y tế cơ sở tiêm phòng cho lợn

Trong những ngày này, dịch bệnh tai xanh ở lợn đang hoành hành ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tuy chưa có dịch xảy ra trên địa bàn Vĩnh Phúc nhưng mấy ngày gần đây, thông tin dịch bệnh cũng đã khiến người chăn nuôi lao đao, thị trường bị ảnh hưởng xấu, người tiêu dùng thì hoang mang, lo sợ.

Những tác động tiêu cực của dịch bệnh tai xanh đã và đang hiện hữu, trước hết ảnh hưởng ngay tới những người buôn bán mặt hàng này.

Lượng tiêu thụ thịt lợn giảm

Chúng tôi có mặt tại chợ Vĩnh Yên vào lúc hơn 6 giờ tối, nhưng gần 8kg thịt của chị Phương vẫn còn quá nửa. Tình trạng này kéo dài đã hơn một tuần nay. Chị Phương cho biết: thường mỗi ngày khoảng 9 giờ sáng là chị đã bán hết một con lợn thịt nhưng gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh tai xanh, thịt lợn tiêu thụ giảm bán cả ngày cũng không được 5-7kg. Cả buổi chiều nay, tôi còn không bán được 1 kg thịt nào, chán lắm, có khi còn bù lỗ.

Với khuôn mặt buồn bã không có khách mua hàng, chị Trần Thị Sơn cho biết: Dạo này bán thịt ế lắm, chả có mấy người hỏi mua, cả đến khách quen mời mọc mãi họ cũng lắc đầu vì sợ mua phải lợn bị bệnh tai xanh. Trước đây, mỗi ngày tôi lấy khoảng 30-40 kg thịt bán đến khoảng 9-10giờ sáng đã hết hàng, giờ chỉ lấy có 15-20kg bán đến tối vẫn còn. Chị Phương cũng cho biết thêm “mình bán con lợn nào bị bệnh, con lợn nào khoẻ là biết ngay, nhưng người mua họ chả biết. Qua phương tiện thông tin đại chúng, cứ thấy bảo có dịch lợn tai xanh ở các tỉnh, thành là người dân sợ không ăn thịt lợn nữa”. Tình trạng ế ấm này không chỉ riêng sạp hàng của chị Phương, chị Sơn mà nhiều cửa hàng khác trong mấy ngày này cũng chỉ bán cầm chừng để giữ khách, một số người còn nghỉ hoặc chuyển sang bán mặt hàng khác.

Khảo sát một số chợ buôn bán thịt lợn trên địa bàn tỉnh mới thấy, lượng thịt bán lẻ những ngày qua đã liên tục sụt giảm, đây cũng là cơ hội để các thực phẩm khác tăng giá. Cụ thể thịt bò tăng giá từ 3.000-5.000 đồng/kg, thịt gà tăng từ 5.000-7.000 đồng/kg, cá chép tăng 4.000 đồng/kg...Chị Thu, bán gà ở chợ Vĩnh Yên cho biết: mấy ngày gần đây, sạp hàng bán gà của gia đình tôi bán chạy hơn rất nhiều. Hiện nay mỗi ngày tôi bán chạy gấp rưỡi có khi gấp đôi so với ngày thường, có hôm không có gà mà bán cho khách…

Người chăn nuôi bị ảnh hưởng

Theo ghi nhận tại huyện Bình Xuyên, Yên Lạc trong thời gian qua, các huyện đã cùng với các cấp, ngành làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh tai xanh ở lợn. Nhưng người tiêu dùng vẫn hoang mang, lo lắng, khiến các hộ chăn nuôi lao đao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các hộ chăn nuôi.

Là hộ chăn nuôi lợn thịt hơn 20 năm, chị Nguyễn Thị Toàn, tổ dân phố Nội Giữa, thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên) cho biết: Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, ngay từ những ngày đầu chăn nuôi, gia đình tôi luôn làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc phòng bệnh...Vì vậy, từ mô hình chăn nuôi lợn, mỗi năm cho gia đình thu lãi khoảng 20-30 triệu đồng. Khoảng hơn một tháng nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng được biết dịch bệnh tai xanh đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành, hàng nghìn con lợn phải tiêu huỷ, người chăn nuôi điêu đứng...gia đình tôi đã tăng cường phun thuốc khử trùng tiêu độc; rắc vôi bột xung quanh chuồng trại; không cho người lạ ra, vào chuồng trại. Chị Toàn cho biết: mặc dù gia đình đã chủ động phòng bệnh rất tốt, đàn lợn phát triển khoẻ mạnh nhưng giá lợn thịt bán ra thị trường hiện nay giảm rất mạnh (do tâm lý người dân sợ ăn phải thịt nhiễm bệnh), ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của gia đình. Cụ thể trước kia thịt lợn hơi có giá từ 28-30.000 đồng/kg, nay chỉ còn 20-24.000 đồng/kg. Mỗi lứa lợn trước kia cho gia đình thu lãi từ 5-7 triệu đồng, nay gia đình phải bù lỗ từ 2-3 triệu đồng. Tôi mong muốn các cấp, ngành tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng không nên hoang mang khi sử dụng sản phẩm từ thịt lợn. Có như vậy, người chăn nuôi chúng tôi mới yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô.

Với gia đình anh Dương Đức Sự ở thôn Đống Cao xã Văn Tiến (Yên Lạc) nguồn thu nhập chính của gia đình là từ chăn nuôi lợn. Anh cho biết: mỗi năm gia đình nuôi hơn 20 con lợn thịt, 4 con lợn nái, và cho thu lãi khoảng 50-60 triệu đồng, có như vậy tôi mới nuôi được 1 con đang đi học Cao Đẳng, 2 con đang đi học phổ thông. Tuy nhiên hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh tai xanh, giá lợn giảm mạnh, gia đình tôi khả năng phải bù lỗ lứa lợn này, bây giờ không biết mượn tiền ở đâu để đóng học cho con...

Theo bà Trần Thị Hằng, Trưởng Trạm thú y huyện Bình Xuyên: khi có thông tin ở các tỉnh, thành có dịch, UBND huyện đã có công văn gửi UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh tai xanh ở lợn. Trạm thú y đã tổ chức ký cam kết với các hộ chăn nuôi tập trung, các hộ kinh doanh buôn bán giết mổ trên địa bàn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tai xanh theo quy định. Phân công cán bộ xuống cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương xã và cán bộ thú y cơ sở tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh; rà soát, quản lý theo dõi chặt chẽ các đàn gia súc nhập vào địa phương. Tăng cường thông tin tuyên truyền với thời lượng 2 lần/ngày để người dân nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh tai xanh. Kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ các điểm giết mổ động vật, sản phẩm động vật tại các chợ. Tổ chức cấp phát tờ rơi hướng dẫn về kinh doanh buôn bán giết mổ theo quy định của pháp luật...Vì vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Bình Xuyên đàn gia súc vẫn đảm bảo an toàn.

Ông Trần Thiện Trí, Chi cục Phó Chi cục thú y khẳng định: hiện nay Vĩnh Phúc chưa xuất hiện bệnh tai xanh ở lợn, người tiêu dùng không nên hoang mang, lo lắng khi sử dụng sản phẩm thịt lợn. Virus tai xanh ở lợn không có cơ chế lây nhiễm sang người. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, tỉnh đã thành lập 2 chốt ngăn chặn, kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn tại xã Bồ Sao (Vĩnh Tường) và phường Phúc Thắng (thị xã Phúc Yên). Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên hệ thông loa truyền thanh đến từng thôn, xóm. Tại các chốt kiểm soát tạm thời, các cán bộ luân phiên nhau trực 24/42 giờ. Thành lập các đoàn đi hướng dẫn, kiểm tra công tác vệ sinh khử trùng môi trường chăn nuôi, tiêm phòng văcxin….qua đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn, góp phần đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực