Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là huyện miền núi có 9 xã, thị trấn, trong đó có 3 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn theo chương trình 135 gồm xã Đạo Trù, Bồ Lý, Yên Dương. Năm 2005, 17km QL (quốc lộ) của huyện 17km đã được nhựa hoá, TL (tỉnh lộ) 24km, đường huyện 57km đã kiên cố hoá được 7,6km đạt 6,2%, đường xã 363,8km đã kiên cố hoá được 20,5km đạt 5,6%.
Trong đó chỉ có các tuyến QL, TL là được cứng hoá, hệ thống đường giao thông nông thôn được kiên cố hoá 7,3km. Còn lại hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) là đường cấp phối, đường tự hình thành không đảm bảo giao thông thuận lợi, nhân dân đi lại gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Xuất phát từ nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo huyện đã xây dựng các đề án và kế hoạch phát triển giao thông nông thôn. Đến nay, QL 2B đã được cải tạo mở rộng, đầu tư thêm các công trình kỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn cấp đường và làm mới được 3km QL 2B với mặt cắt rộng 42,0m theo tiêu chuẩn đường đô thị. Đường tỉnh và huyện lộ cơ bản đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp cứng hoá đạt tỷ lệ gần 100%. Hệ thống đường xã đã cứng hoá đạt khoảng 30%. Yên Dương là một trong 3 xã thuộc chương trình 135, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua phong trào làm đường giao thông nông thôn của xã đạt được kết quả đáng khích lệ.Yên Dương có tổng diện tích đất tự nhiên 930,51ha, bốn bề bao bọc bởi sông, suối, núi đồi, có đường trục dài 10km từ Bồ Lý đến Suối Lạnh, đường GTNT dài 22,5km. Xã có 8 thôn dân cư với 2 dân tộc Kinh và Sán Dìu cùng chung sống, đường cái đi lại giữa các thôn rất khó khăn nhất là mỗi khi mùa mưa, bão đến. Để sớm đưa quê hương thoát khỏi nghèo nàn, lãnh đạo địa phương luôn xác định phải phát triển mạng lưới GTNT để nhân dân đi lại thuận lợi, phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi có Nghị quyết xây dựng GTNT Đảng uỷ đã thành lập ban chỉ đạo GTNT cấp xã do đồng chí Bí thư Đảng uỷ làm trưởng ban. Đồng thời thành lập các tiểu ban tuyên truyền, huy động vốn, khảo sát thiết kế, lập dự toán từng đoạn cho các thôn và đứng ra làm trọng tài cho việc hợp đồng và thanh lý hợp đồng. Đảng uỷ đã chỉ đạo các chi bộ thôn thành lập ban chỉ đạo GTNT của các thôn do đồng chí Bí thư chi bộ làm trưởng ban, trưởng thôn dân cư làm phó ban, các uỷ viên giám sát thi công, thu quỹ, huy động vốn…
Trong năm 2009, Ban chỉ đạo xã và chỉ đạo các thôn đã chủ động bám sát kế hoạch, chỉ tiêu huyện giao, động viên bà con nông dân tích cực tham gia làm đường GTNT. Trên cơ sở đó giao cho các thôn triển khai thực hiện, mặc dù việc thu quỹ vốn đường giao thông ở các thôn không tập trung song BCĐ luôn tích cực vận động nhân dân đóng góp quỹ vốn. Đối vơi các hộ khó khăn, thôn có chủ trương để họ đóng góp ngày công, sức lao động để làm đường. Tổng thu theo các thôn năm 2009 là trên 103 triệu đồng đạt 87,23%.
Đến nay đường giao thông nông thôn của xã cứng hoá được 40%, kênh mương xây được 12km/25km, số vốn đầu tư tăng so với cùng kỳ, các thôn đều xây được rãnh thoát nước. Nhờ tập trung phát triển mạng lưới GTNT mà những năm qua trên địa bàn xã đã có những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội. 5 năm qua, kinh tế xã có tốc độ phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 3.900.000 đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ hộ khá giàu ngày càng tăng. 8/8 thôn đã xây dựng được nhà văn hoá, hương ước, quy ước khu dân cư và thực hiện có hiệu quả. Các hộ có xe ô tô, xe máy, ti vi, điện thoại tăng 140% so với cùng kỳ.