Tam Dương (Vĩnh Phúc): Triển khai áp dụng kỹ thuật an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn

Thứ ba, 12/11/2019 14:41
(ĐCSVN) - Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, UBND huyện Tam Dương yêu cầu các đơn vị chuyên môn thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt việc tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng biện pháp kỹ thuật an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn.

 

Ảnh minh họa (Ảnh: NT)

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, UBND huyện Tam Dương yêu cầu các phòng, ban, cơ quan chuyên môn thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt việc tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc tại văn bản số 1738/SNN&PTNT-CNTY.

Cụ thể, về yêu cầu về chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi, cần kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi. Chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh. Chuồng nuôi lợn phải bố trí phù hợp với từng lứa tuổi của lợn và mục đích sản xuất. Nên có ô chuồng nuôi cách ly để nuôi lợn mới nhập hoặc nuôi lợn bị bệnh.

Về yêu cầu con giống, lợn nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Đối với lợn nhập từ ngoài tỉnh phải có Giấy Kiểm dịch. Trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần.

Bên cạnh đó, sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc và còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn. Tốt nhất nên sử dụng thức ăn của các công ty chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, có thương hiệu, uy tín cao trên thị trường. Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lý nhiệt trước khi cho ăn, nấu chín kỹ thức ăn tận dụng.

Về vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi, cần hạn chế tối đa người ngoài ra, vào khu vực chăn nuôi. Trước và sau khi vào, ra khu chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giầy, dép vào hố khử trùng.

Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần, phun thuốc sát trùng trong chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 2 lần/tuần khi có dịch bệnh. Phun thuốc sát trùng trên lợn ít nhất 2 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực