(ĐCSVN) – Tối 18/3, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc đã được công nhận là đô thị loại III. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu mốc trong chặng đường phát triển của địa phương này trong suốt lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm qua.
* Lễ công nhận Thị xã Phúc Yên là đô thị loại III
|
Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng trao Quyết định công nhận đô thị loại III cho Phúc Yên (Ảnh: V.H, Báo Vĩnh Phúc) |
Tối 18/3/2013, tại Quảng trường Trung tâm Thị xã Phúc Yên, Thị uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Phúc Yên đã tổ chức trọng thể Lễ công bố Quyết định Thị xã Phúc Yên là đô thị loại III, trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Sự kiện này đã thu hút sự tham dự của các đồng chí: Trịnh Đình Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Phạm Văn Vọng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Phùng Quang Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XIII của tỉnh; Nguyễn Văn Trì, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Dương Thị Tuyến, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, còn có các đại biểu nguyên là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành, thị trong tỉnh; các tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn; đại diện lãnh đạo các đô thị trong Cụm đô thị vùng Đông Bắc cùng đông đảo nhân dân thị xã Phúc Yên...
Ngược dòng lịch sử, thị xã Phúc Yên chính thức được thành lập vào ngày 31/10/1905 và là tỉnh lỵ của tỉnh Phúc Yên. Phạm vi của thị xã lúc đó gồm đất của 3 làng Đạm Xuyên, Tháp Miếu và Tiền Châu. Trong kháng chiến chống Pháp, Phúc Yên chuyển thành Thị trấn, sau đó, được tái lập thành thị xã từ ngày 1-2-1955. Ngày 26-6-1976, một lần nữa, Phúc Yên chuyển thành thị trấn thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú. Khi huyện Yên Lãng sáp nhập với huyện Bình Xuyên thành huyện Mê Linh thì Phúc Yên là huyện lỵ của Mê Linh. Năm 1978, Phúc Yên cùng huyện Mê Linh sáp nhập về thành phố Hà Nội.
Năm 1991, Phúc Yên cùng huyện Mê Linh chuyển về tỉnh Vĩnh Phú và năm 1997 chuyển về tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 9/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/NĐ-CP thành lập Thị xã Phúc Yên trên cơ sở tách huyện Mê Linh và Thị xã Phúc Yên chính thức đi vào hoạt động theo địa giới hành chính mới từ 1/1/2004. Từ khi được thành lập đến những năm 60 của thế kỷ trước, Phúc Yên luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhân dân Phúc Yên luôn thể hiện tinh thần yêu nước, cách mạng và đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đô thị Phúc Yên phát triển mạnh sau khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Với sự quan tâm của tỉnh, với cơ chế thu hút đầu tư đúng đắn, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ... Phúc Yên đã trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước; trong đó có những tập đoàn kinh tế nổi tiếng hàng đầu thế giới như Toyota, Honda... Chính sự có mặt của các doanh nghiệp lớn đã làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu kinh tế trên địa bàn thị xã, đưa Phúc Yên trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Nhiều năm qua, thị xã luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cơ cấu kinh tế hiện nay là: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn chiếm 75-80% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 9 năm (2004-2012) đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 80% tổng thu ngân sách của tỉnh. Cùng với sản xuất công nghiệp, lĩnh vực du lịch cũng có bước phát triển mạnh. Nhiều dự án đã và đang được đầu tư, khai thác có hiệu quả như sân golf Đại Lải, khu nghỉ dưỡng Flamingo, nhiều trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ trong thị xã và xung quanh khu vực hồ Đại Lải... Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, nhất là về giao thông, điện, cấp nước sinh hoạt, xử lý chất thải... Thị xã có hệ thống giáo dục khá hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến đại học. Hiện nay, trên địa bàn có 1 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 1 trường THCN; có 4 bệnh viện lớn, 9 trung tâm thương mại; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt gần 80%. Trong quy hoạch phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phúc Yên được xác định là vùng kinh tế trọng điểm, hạt nhân đô thị của thành phố Vĩnh Phúc, một trong những trọng điểm về du lịch, dịch vụ, giáo dục - đào tạo của Vĩnh Phúc. Sau nhiều năm tập trung xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp, ngày 21-1-2013, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 93/QĐ-BXD công nhận Thị xã Phúc Yên là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là niềm phấn khởi, tự hào của Đảng bộ và nhân dân Phúc Yên; là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Thị xã Phúc Yên trong quá trình hơn 100 năm xây dựng và trưởng thành, đồng thời là tiền đề để Phúc Yên trở thành thành phố trong tương lai gần.
* Thị xã Phúc Yên - Xứng tầm đô thị loại III
|
Phúc Yên trên đường phát triển (Ảnh: Dương Hà, Báo Vĩnh Phúc) |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Phúc Yên lần thứ II (nhiệm kỳ 2010-2015) xác định thị xã Phúc Yên phải phấn đấu xứng tầm đô thị trung tâm kinh tế - văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc.
Những năm qua, để xứng đáng với vị trí đô thị trung tâm, thị xã Phúc Yên đã không ngừng xây dựng và phát triển, cơ bản đạt được nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2009-2012 đạt trên 18%, thu ngân sách năm 2012 là 10.568 tỷ đồng, mức thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3,3 lần so với cả nước. Cơ cấu kinh tế thị xã có bước chuyển dịch rõ rệt theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ…
Để khuyến khích phát triển công nghiệp, thị xã luôn chú trọng cải cách thủ tục hành chính và đảm bảo mặt bằng sản xuất. Thị ủy Phúc Yên tập trung chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu hút đầu tư và thành lập DN; cho niêm yết các biểu mẫu về đăng ký kinh doanh và thủ tục đầu tư theo quy định của Nhà nước ở những nơi thuận tiện nhất; tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà đầu tư; ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư. Chỉ đạo Ban quản lý khu Công nghiệp thị xã mở rộng mặt bằng, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng; thành lập thêm nhiều CCN vừa và nhỏ. Vận động, khuyến khích các cơ sở sản xuất CN đầu tư mở rộng sản xuất, ngành nghề. Các ban, ngành thực hiện nghiêm túc những chính sách về hỗ trợ, kích cầu kinh tế của Trung ương và của tỉnh đối với DN, tạo điều kiện để các DN ổn định sản xuất. Do vậy, số DN đăng ký thành lập ở Phúc Yên ngày càng tăng, tổng số DN hiện nay là 522, trong đó có 1 DNNN TW, 27 DNNN địa phương, 491 DNTN và 3 DN nước ngoài, đưa tổng giá trị sản xuất ngành CN của thị xã trong năm 2012 lên 36. 400 tỷ đồng, trong đó, CN trong nước đạt đạt 1.176 tỷ đồng, CN có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 35.000 tỷ đồng. Sản lượng một số sản phẩm CN chủ yếu ở Phúc Yên là: gạch ốp lát đạt 19 triệu m2, ô tô đạt gần 25.000 chiếc, xe máy đạt trên 2,2 triệu chiếc…
Năm 2012 là năm đầy biến động và nhiều khó khăn với nhiều DN, tình hình lạm phát và suy giảm kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, nhưng Thị ủy - UBND thị xã tập trung triển khai thực hiện tích cực các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Thị xã đã tập trung triển khai tích cực, đồng bộ nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của sản xuất kinh doanh; hỗ trợ các DN nhỏ và vừa... Phúc Yên xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng giá trị sản xuất CN, tạo bước đột phá mới trong phát triển dịch vụ. Tiếp tục mở rộng hỗ trợ lãi xuất cho các DN đầu tư phát triển sản xuất. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với thị trường trong và ngoài nước. Kêu gọi đầu tư sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường… Hiện thị xã đang giữ vị trí chiến lược quan trọng về phát triển CN và thương mại du lịch với hệ thống các KCN vùng, chiếm tới trên 75% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và nỗ lực trong đầu tư cơ sở hạ tầng, Phúc Yên từ một thị xã nhỏ đã vươn lên trở thành đô thị văn minh, hiện đại. Thị xã đã tiến hành quy hoạch chi tiết và đang triển khai xây dựng 7 dự án khu đô thị mới. Đồng thời, quy hoạch chi tiết các xã, phường, trung tâm thương mại, đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, viễn thông… để xứng đáng với vị thế mới của một đô thị loại III mà Bộ Xây dựng đã công nhận.