Việc đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi bò sữa là điều kiện cần thiết để nông dân có điều kiện tái sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nông dân nuôi bò sữa tại tỉnh Vĩnh Phúc đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm sữa do chưa đảm bảo được chất lượng nguồn sữa.
|
Chăn nuôi bò sữa. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN) |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, hiện tỉnh có 8.652 con bò sữa, riêng huyện Vĩnh Tường có 7.772 con, chiếm gần 90% tổng đàn bò sữa. Sản lượng sữa đạt 11.883 tấn sữa/năm, tính trung bình mỗi con bò sữa đang khai thác sẽ cho thu lãi từ 25 - 28 triệu đồng/năm.
Hiện nay có 2 doanh nghiệp lớn là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam (Dutch Lady) đã ký hợp đồng thu mua sữa tươi cho các hộ chăn nuôi với mức giá ổn định. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam đã có 4 điểm thu mua sữa đặt tại các địa phương, với giá mua khoảng 14.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày đã thu mua 23 - 25 tấn sữa tươi nguyên liệu.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía các hộ chăn nuôi, thời gian gần đây, ở một vài địa phương tình hình tiêu thụ sữa tươi đang gặp khó khăn, nhất là đối với các hộ mới có bò khai thác sữa và mới nuôi bò sữa. Nguyên nhân chính là do các công ty sữa ngày càng siết chặt quy trình quản lý, thu mua sữa, tập trung nâng cao các chỉ tiêu về chất lượng sữa. Các hộ mới nuôi bò sữa thường có quy mô nhỏ, điều kiện đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật còn hạn chế, số lượng sữa sản xuất ra không ổn định nên chưa được các công ty thu mua sữa ký hợp đồng tiêu thụ, cấp mã số thu mua sữa. Thêm vào đó, một số hộ nuôi không đảm bảo chất lượng sữa theo đúng cam kết trong thời gian dài, buộc các công ty sữa phải tạm dừng hợp đồng.
Nuôi bò sữa đang được coi là ngành chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển trên 15.000 con bò sữa.
Để đảm bảo tính ổn định lâu dài cho ngành chăn nuôi bò sữa, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền cho người chăn nuôi về chủ trương quy hoạch phát triển ngành bò sữa; chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là kiểm soát con giống; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi bò sữa, cũng như toàn bộ việc thu mua sữa tươi nguyên liệu của doanh nghiệp đối với người chăn nuôi bò sữa. Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tìm cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa bao tiêu hết lượng sữa tươi nguyên liệu trên địa bàn, không để tình trạng tồn đọng sữa nguyên liệu. Bên cạnh đó, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với địa phương, thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa phát triển nhanh và bền vững./.