Triển khai hiệu quả công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ sáu, 01/04/2011 20:56

(ĐCSVN) - Trong những năm qua, nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã tham mưu với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả.

 Khen thưởng cá nhân điển hình tiên tiến "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của Vĩnh Phúc (Ảnh: Hà Anh)


Triển khai hiệu quả công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội

Ban Tuyên giáo đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh, như: Chỉ thị về phát triển hệ thống mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội của tỉnh năm 2006; Quyết định thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh; Quy chế hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội các cấp; quy định chế độ cho cộng tác viên dự luận xã hội và kinh phí cho các cuộc điều tra dư luận xã hội...

Hiện nay, hệ thống cộng tác viên dư luận xã hội của Vĩnh Phúc được tổ chức ở 3 cấp: cấp tỉnh có 45 đồng chí, trong đó có 13 đồng chí trong tổ cộng tác viên thường xuyên, định kỳ mỗi tháng họp giao ban 1 lần, 32 đồng chí trong tổ cộng tác viên không thường xuyên, định kỳ mỗi quý họp giao ban một lần; cấp huyện có 200 đồng chí, cấp cơ sở có 1.200 đồng chí, hoạt động rất thường xuyên. Bên cạnh đó, hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tiến hành từ 5 đến 7 cuộc điều tra dư luận xã hội về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc, với tổng số phiếu mỗi cuộc điều tra khoảng 1.000 phiếu.

Kết quả của công tác nghiên cứu, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội ở Vĩnh Phúc trong những năm qua, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong nhiệm kỳ 2005-2010, trên địa bàn tỉnh nhiều vụ việc phức tạp nảy sinh ở các địa phương, đơn vị đã được đội ngũ công tác viên dư luận xã hội các cấp phản ánh kịp thời với các cấp uỷ Đảng để có phương án xử lý hiệu quả, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân vì sự phát triển của tỉnh. Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khoá XIV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV đã khẳng định: Nhiệm kỳ 2005-2010, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu cao và đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội đều đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.

Thành tựu trên có phần đóng góp quan trọng của công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo nói chung và công tác nghiên cứu, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội nói riêng của tỉnh.

5 bài học kinh nghiệm trong công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội

Để làm tốt công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, qua đúc kết từ thực tiễn ở Vĩnh Phúc, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội cho các cấp uỷ Đảng nhất là ở cơ sở. Công tác dư luận xã hội phải gắn với công tác tư tưởng là một nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp uỷ Đảng. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp uỷ thiếu quan tâm, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo thì nơi đó công tác dư luận xã hội, công tác tư tưởng đạt hiệu quả thấp. Khi có “điểm nóng” xảy ra, cấp ủy và chính quyền cơ sở, thậm chí kể cả cấp trên cơ sở mới thấy sự cần thiết trong nắm bắt và định hướng dư luận xã hội. Còn nơi nào cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm, có các giải pháp để thực hiện tốt công tác này thì ở nơi đó không có hoặc ít xảy ra các vụ việc phức tạp.

Thứ hai, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và các đoàn thể để làm tốt công tác dư luận xã hội. Cần xác định rõ, công tác dư luận xã hội là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các đoàn thể và của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó, Ban Tuyên giáo các cấp là cơ quan tham mưu và trực tiếp giúp cấp uỷ quản lý, điều hành đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, tổng hợp, phân tích, định hướng dư luận xã hội.

Thứ ba, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ ban hành những văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, như: Chỉ thị của Tỉnh uỷ, Quy chế, Quyết định về việc thành lập tổ cộng tác viên dư luận xã hội; quy định về chế độ họp giao ban hàng tháng, chế độ hỗ trợ xăng xe đi lại để cung cấp thông tin của công tác viên dư luận xã hội...

Thứ tư, tăng cường, củng cố, kiện toàn mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội; từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo sự chuyển biến rõ nét, nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, đề xuất xử lý và định hướng dư luận xã hội; chú trọng xây dựng đội ngũ làm công tác dư luận xã hội ổn định, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và đặc biệt là quan tâm tới chế độ bồi dưỡng cho đội ngũ này. Đối với Vĩnh Phúc, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tham mưu với Tỉnh uỷ có chế độ hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội thường xuyên là 200.000đ/tháng. Mỗi khi có thay đổi trong đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc kịp thời có công văn và ra quyết định bổ sung, kiện toàn để đội ngũ này luôn ổn định và hoạt động hiệu quả.

Thứ năm, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành chức năng phải thực sự coi trọng thông tin dư luận xã hội và có biện pháp xử lý kịp thời những vấn đề dư luận xã hội phản ánh. Hàng tháng, sau hội nghị giao ban, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đều có báo cáo tổng hợp tình hình dư luận trên địa bàn tỉnh đề nghị Tỉnh uỷ có ý kiến chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị xem xét, giải quyết, trả lời bằng văn bản những vấn đề dư luận phản ánh. Hầu hết các vụ việc đã được xem xét, giải quyết, trong đó có những nội dung phức tạp, gây nhiều bức xúc như: những vấn đề về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; về môi trường; liên quan đến quyền lợi của người dân, người lao động; liên quan đến việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước… Một số vấn đề liên quan tới chính sách, pháp luật và các cơ chế cần có thời gian xem xét, nghiên cứu cũng được các cơ quan chức năng nghiêm túc tiếp thu, có hướng giải quyết, điều chỉnh phù hợp. /.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực