UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Bàn các giải pháp thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản các tháng cuối năm

Thứ sáu, 26/08/2011 10:03

Hình ảnh tại hội nghị (Nguồn: vinhphuc.gov.vn)

Sáng 24/8, UBND tỉnh tổ chức hội nghị kiểm điểm công tác xây dựng cơ bản 7 tháng và nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2011. Đồng chí Phùng Quang Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

7 tháng đầu năm, việc thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn do giá cả hàng hóa, thực phẩm, xăng dầu, vật liệu xây dựng, nhân công và lãi suất ngân hàng tăng cao. Mặt khác, Chính phủ có chủ trương cắt giảm, chống lạm phát theo Nghị quyết 11. Đến 31/7, có tổng số 2031 dự án, công trình được bố trí vốn thuộc kế hoạch năm 2011, trong đó có 881 công trình, dự án cấp tỉnh. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, huy động vốn từ ngân sách nhà nước cho xây dựng cơ bản đạt hơn 4000 tỷ đồng, khối lượng hoàn thành xây dựng cơ bản đạt xấp xỉ 1500 tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch năm. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được chỉ đạo tập trung, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Việc cải cách thủ tục hành chính trong phân cấp quyết định đầu tư, phân cấp phê duyệt hồ sơ mời thầu, phân cấp giới thiệu địa điểm quy hoạch…đã góp phần giảm thiểu thời gian thực hiện các công việc liên quan đến hành chính; tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm đối với cấp huyện và xã. Công tác quy hoạch được quan tâm đẩy mạnh. Nhiều dự án quy hoạch được hoàn thành làm cơ sở cho việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng như Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến 2030; Quy hoạch chung đô thị thành phố Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Những hạn chế, vướng mắc nổi cộm trong xây dựng cơ bản 7 tháng đầu năm là việc thi công các công trình chậm so với tiến độ đã cam kết; tỷ lệ giá trị khối lượng thực hiện và giải ngân vốn từ ngân sách nhà nước so với kế hoạch đạt thấp; cấp huyện phê duyệt dự án còn tràn lan, bố trí vốn dàn trải và không có kế hoạch chuẩn bị đầu tư trong khi khả năng đáp ứng nguồn vốn thấp.

Tại hội nghị, nhiều vấn đề tồn tại đã nhiều năm nhưng chưa được khắc phục như: quy hoạch còn bất cập, chồng chéo, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng hồ sơ dự án không được cải thiện nhiều; đấu thầu không thể hiện tính cạnh tranh, hiệu quả thấp; chất lượng một số công trình xây dựng chưa cao; năng lực chuyên môn của đa số đơn vị tư vấn và nhiều đơn vị xây lắp còn yếu… cũng được đưa ra phân tích và tìm giải pháp khắc phục.

Từ nay đến cuối năm, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các chủ đầu tư tập trung đôn đốc các ban quản lý dự án, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu, thanh toán dứt điểm các khối lượng đã thực hiện. Đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng đất dịch vụ; sẽ sớm thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng cấp tỉnh và cấp huyện để tập trung chỉ đạo và giải quyết các công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng. Tăng cường huy động các nguồn lực từ đất cho đầu tư phát triển. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Củng cố, tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện sai phạm và xử lý kịp thời.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quang Hùng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, bổ sung quyết định phân cấp đầu tư; có hướng dẫn cấp huyện về việc phân bổ, bố trí vốn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; xử lý tồn tại của những dự án chuyển tiếp của cả tỉnh và huyện; chủ trì cùng với Sở Xây dựng điều chỉnh tổng mức đầu tư, chống khép kín trong xây dựng cơ bản để chống lãng phí. Sở Tài chính phối hợp Kho bạc nghiên cứu cơ chế quyết toán các công trình, dự án; Sở Xây dựng kiểm tra năng lực các đơn vị tư vấn; xây dựng quy hoạch nông thôn mới; cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất việc thành lập cơ quan thẩm định từ cấp tỉnh xuống huyện. Thanh tra tỉnh có kế hoạch kiểm tra việc quyết toán các dự án. UBND các huyện, thành, thị có trách nhiệm giám sát các xã trong việc đầu tư xây dựng. Trong năm nay, mỗi huyện sẽ thành lập một ban bồi thường giải phóng mặt bằng và một ban quản lý dự án; có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa 2 ban này nhằm thúc đẩy tiến độ và nâng cao chất lượng thi công các công trình, tránh thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực xây dựng cơ bản./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực