Vĩnh Phúc: 13/17 chỉ tiêu về phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đạt và vượt

Thứ ba, 31/05/2011 11:00

Sáng 27/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Văn Vọng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp cho ý kiến vào báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Đề án phòng thủ dân sự tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011- 2015; Đề án phòng thủ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06, hệ thống, mạng lưới trường lớp từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn tỉnh được quy hoạch hoàn chỉnh, phủ kín các vùng miền, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao và có chất lượng của con em nhân dân. Toàn tỉnh có 556 trường học và cơ sở giáo dục, đào tạo với trên 247.000 học sinh, sinh viên. Bằng nguồn ngân sách của địa phương và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, toàn tỉnh xây dựng mới được 1.226 phòng học kiên cố, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố hiện nay ở bậc tiểu học đạt 86,7%, THCS đạt 94%, bậc THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên đạt 97,4%. Chất lượng giáo dục toàn diện được coi trọng và nâng cao rõ rệt. Năm 2010, gần 8.000 học sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng. Năm học 2010- 2011, tỉnh xếp thứ nhất cả nước về tỷ lệ học sinh dự thi học sinh giỏi đạt giải.

Công tác dạy nghề chất lượng cao bước đầu khẳng định được vị trí, vai trò đối với việc phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đổi mới toàn diện trên các mặt như tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phân cấp quản lý, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo. Việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển, tuyển dụng, bổ nhiệm đánh giá cán bộ, công chức được thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy định.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quang Hùng đã phân tích, làm rõ thêm những khó khăn, hạn chế, phương hướng triển khai nghị quyết trong thời gian tới, nhất là về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi thuộc các lĩnh vực: sản xuất phần mền - quản lý hành chính công, quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng, giao thông, y tế; nguồn vốn dành cho giáo dục đào tạo - giải quyết việc làm cho người lao động; công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài; những bất cập trong công tác tổ chức, điều hành công tác dạy nghề…

Kết luận nội dung này, đồng chí Phạm Văn Vọng yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết, gắn thực hiện Nghị quyết với các chương trình, đề án về xây dựng nông thôn mới, phát triển dịch vụ, du lịch, đề án phổ cập giáo dục mầm non…Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục đào tạo ở tất cả các ngành học, cấp học; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút cán bộ, công chức, viên chức giỏi về tỉnh công tác; đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới công tác thanh tra, lấy đánh giá đúng chất lượng làm động lực phát triển; sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng lao động; tiếp tục tổ chức việc đào tạo cán bộ trong và ngoài nước đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục lấy nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông làm nền tảng; lấy đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao làm khâu đột phá; lấy nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định để sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015.

Cho ý kiến vào dự thảo Đề án Phòng thủ dân sự tỉnh Vĩnh Phúc và dự thảo Đề án xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020, đồng chí Phạm Văn Vọng nhất trí cao với dự thảo 2 đề án nêu trên. Đồng thời cho rằng, nội dung xây dựng khu vực phòng thủ được thể hiện khá toàn diện trong 2 đề án, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng an ninh. Đồng chí yêu cầu Bộ Chỉ huy tỉnh tiếp thu, hoàn chỉnh Đề án trong thời gian sớm nhất.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng cho ý kiến vào báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011- 2016; Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và định mức thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc từ năm học 2011-2012 đến năm học 2014-2015; Quy định về chức danh, số lượng, mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo Nghị định 92 của Chính phủ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực