Thứ bảy, 07/09/2013 10:46 (GMT+7)
Tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các công ty TNHH một thanh viên thủy lợi khơi thông luồng tiêu, lắp đặt hệ thống trạm bơm tiêu dã chiến bơm nước tiêu úng để giúp dân nhanh chóng cứu vớt diện tích lúa bị ngập úng. Vĩnh Phúc cũng yêu cầu UBND cấp xã chủ động kiểm tra, đôn đốc nhân dân khắc phục hậu quả sau thiên tai để sớm ổn định sản xuất.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: vinhphuc.gov.vn) |
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng phương án và phối hợp với các huyện, thành, thị chỉ đạo, hướng dẫn bà con tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín, chăm sóc những diện tích lúa và hoa màu có khả năng phục hồi.
Được biết, Vĩnh Phúc còn có hàng chục hồ, ao trữ nước phục vụ thủy lợi ở vùng gần đồi, núi; trong đó có một số hồ xây dựng ở địa hình trên núi như Hồ Thanh Lanh (Bình Xuyên), hồ Xạ Hương (Tam Đảo)... Mưa lũ triền miên kè đập xuống cấp và khi sự cố xảy ra với các công trình chứa nước to lớn này là khó lường, rất nguy hiểm. Tỉnh đang cử lực lượng điều tiết nước và giữ mực nước hợp lý nhất để đảm bảo an toàn, chủ động ứng phó khi bờ đập có biểu hiện bất thường.
Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc, từ ngày 4-6/9/2013, trên địa bàn tỉnh này đã có mưa to trên diện rộng, có nơi lượng mưa trên dưới 300 mm khiến cho nước trên các sông, các hồ đập lớn và mực nước đệm trên đồng ruộng dâng cao. Một số sông, kênh, ngòi phía dưới hạ nguồn nước cũng dâng cao bất ngờ dẫn tới việc thoát nước mưa lũ ở Vĩnh Phúc chậm, điều này làm cho nước mưa ứ đọng và dâng cao ở nhiều địa phương, nhất là địa bàn canh tác cây trồng khó tiêu nước, nơi người dân sinh sống có địa hình trũng. Tính đến chiều 6/9/2013, Vĩnh Phúc có 4 người chết do mưa lũ; 112 nhà bị ngập, hư hỏng và khoảng 3.000 ha lúa, thủy sản, rau màu bị ảnh hưởng.
Điều đáng quan tâm là diện tích lúa ở Vĩnh Phúc phần lớn đã và đang trổ bông. Mưa lũ cộng thêm gió làm cho nhiều ruộng lúa bị đổ. Khả năng năng suất và chất lượng thóc gạo sau thu hoạch sẽ giảm ./.