Vĩnh Phúc: Bước đầu thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”

Thứ năm, 28/01/2021 16:17
(ĐCSVN) - Năm 2021, toàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, đồng thời không chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục duy trì tinh thần quyết tâm “chống dịch như chống giặc”.

Song song với đó là tập trung khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế. Tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm các chế độ an sinh xã hội. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách các thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình hành động số 362/CTr-UBND ngày 17/01/2020 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Vĩnh Phúc nhìn từ trên cao (Ảnh: vietnamplus.vn) 

Dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh COVID – 19,nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên dự kiến cả năm 2020, kinh tế của tỉnh cơ bản ổn định, sống vật chất, tinh thần của nhân dân, các hoạt động văn hóa xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn được đảm bảo.

Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững

Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh 2010 ước đạt 79,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,21% so với năm 2019, trong đó ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,88% so với năm 2019, ngành công nghiệp xây dựng tăng 3,92%, các ngành dịch vụ tăng 0,32% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 0,51% so với năm 2019.

Quy mô GRDP theo giá hiện hành ước đạt 122,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,68 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 3,1% so với năm 2019. Đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 104,7 triệu đồng/người (tăng 1,7 triệu đồng/người so với năm 2019). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 43.751 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019 và bằng 35,7% GRDP (giá hiện hành).

Đáng chú ý, đã cải thiện môi trường, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp hiệu quả, minh chứng là: kết quả thu hút vốn đầu tư năm 2020 vẫn vượt kế hoạch đề ra, trong đó vốn FDI ước đạt 666,16 triệu USD, bằng 57,49% so với năm 2019 và vượt 21,12% so với kế hoạch (550 triệu USD) với 31 dự án cấp mới và 44 dự án tăng vốn; vốn DDI ước đạt 7.468,73 tỷ đồng, bằng 49,54% so với năm 2019, vượt 35,8% so với kế hoạch (5.500 tỷ đồng) với 44 dự án cấp mới và 10 dự án tăng vốn. Về phát triển doanh nghiệp: số doanh nghiệp dân doanh thành lập mới dự kiến tăng nhẹ so với năm 2019 với 1.170 doanh nghiệp, số vốn đăng ký trên 8.199 tỷ đồng, tăng 3,4% về số doanh nghiệp và tăng 0,3% về số vốn đăng ký so với năm 2019.

 Các KCN vẫn tiếp tục thu hút đầu tư (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc)

Lũy kế đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 412 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,1 tỷ USD và 803 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là hơn 98,3 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh, trong đó Hàn Quốc có số lượng nhà đầu tư lớn nhất, sau đó là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Italia, Samoa, Seychelles, Hà Lan, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Indonesia,  Pháp, Nga, Đức, British Virgin Islands. Ngoài ra, có 11.778 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 137 nghìn tỷ đồng, trong đó có 8.009 doanh nghiệp thực tế hoạt động (tương đương 68,0% doanh nghiệp đăng ký), và 3.769 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn hoặc chờ giải thể.

Mặc dù thu ngân sách của tỉnh năm 2020 là rất khó khăn, nhưng dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước đạt 28,75 nghìn tỷ đồng, bằng 85,8% dự toán và bằng 82,1% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa ước đạt 24.950,1 tỷ đồng, bằng 85% dự toán và bằng 80,6% so với năm 2019. 

Nhìn chung, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định và có tăng trưởng ở mức khá. Ước giá trị sản xuất toàn ngành (giá SS 2010) đạt 10.394 tỷ đồng, tăng 2,86% so với năm 2019.

Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 04/09 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP cho 18 sản phẩm (mật Ong Tam Đảo, nấm đùi gà Phùng Gia, sữa chua Tam Đảo, Trà hoa vàng Tam Đảo, tinh bột nghệ Tam Đảo, Thanh Long ruột đỏ Lập Thạch...).

Năm 2020, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn và có mức tăng trưởng thấp, giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) ước đạt 266,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2019.

Kinh doanh thương mại năm 2020 chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19. Sau lệnh dỡ bỏ giãn cách xã hội, nhu cầu mua sắm cho sản xuất, kinh doanh từng bước tăng trở lại. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2020 đạt 51,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với năm 2019.

Trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4/2020 người dân đã hạn chế đi lại tránh tiếp xúc nơi đông người; lượng khách đi thăm quan du lịch giảm mạnh; nhu cầu vận tải nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh thấp. Sau thời gian giãn cách, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường mới song nhu cầu vận tải chưa cao nên doanh thu các hoạt động vận tải kho bãi và dịch vụ hỗ trợ dự kiến chỉ đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, giảm 12,66% so với năm 2019.

Dịch vụ du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19. Trong khoảng tháng 2, tháng 3/2020 tình trạng khách hủy tour, hủy phòng, hủy dịch vụ số lượng lớn, lượng khách mới đặt dịch vụ giảm mạnh đã làm cho một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân viên, cho nhân viên nghỉ luân phiên, đặc biệt là khối khách sạn, nhà hàng (như Flamingo Đại Lải resort giảm 70%; FLC Vĩnh Thịnh resort 40%,…), thậm chí có một số đơn vị phải đóng cửa tạm ngừng hoạt động. Ngoài ra, các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, mua sắm, các khu, điểm du lịch cũng giảm mạnh doanh thu. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống cả năm ước đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, giảm 13,7%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 76,1 tỷ đồng, giảm 26,6% so với năm 2019.

Huy động vốn trong dân cư tăng trưởng tốt, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, tỷ lệ nợ xấu thấp. Ước đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 91,7 nghìn tỷ đồng tăng 13,5% so với cuối năm 2019; tổng dự nợ cho vay đạt 87,4 nghìn tỷ đồng tăng tăng 12%; nợ xấu toàn địa bàn chiếm tỷ lệ 0,8% trên tổng dư nợ, giảm 21,88% so với cuối năm 2019.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Vĩnh Phúc
(Ảnh: Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc) 

Vượt khó từ COVID-19, gặt hái một số kết quả khả quan

Hoạt động giáo dục và đào tạo chịu nhiều tác động của dịch bệnh COVID-19. Từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 5/2020 các trường học trên địa bàn tỉnh đều phải cho học sinh nghỉ học và thực hiện dạy và học trực tuyến qua Internet và qua kênh truyền hình Hà Nội. Chất lượng giáo dục cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục được giữ vững. Năm học 2019-2020, công tác phổ cập giáo dục được củng cố và duy trì, chất lượng phổ cập mẫu giáo cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập tiểu học và phổ cập THCS tiếp tục được giữ vững, nhiều chỉ số chung toàn tỉnh vượt các tiêu chí phổ cập của Bộ. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, toàn tỉnh có 11.805 thí sinh đăng ký dự thi. Tỉ lệ tốt nghiệp 99.56% (THPT 99,79%, GDTX 98.09%), chất lượng điểm trung bình các môn thi đứng thứ 5 toàn quốc, 19 đơn vị có tỉ lệ tốt nghiệp đạt 100% cao hơn năm học trước(năm học 2018-2019 là  98,1%). Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa, toàn tỉnh có 81/90 học sinh đoạt giải (trong đó 04 giải nhất, 34 giải nhì, 25 giải ba, 18 giải khuyến khích), đạt tỷ lệ 90%, chiếm tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, Vĩnh Phúc có 12 học sinh được chọn tham dự vòng thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế (Toán: 1; Vật lí: 3; Hóa học: 3; Sinh học: 3; Tin học: 2), trong đó có 01 học sinh môn Tin học được đi thi Khu vực châu Á Thái Bình Dương, 01 học sinh đạt Huy chương Đồng Olympic quốc tế môn Toán. Năm học 2019-2020 toàn tỉnh có 79 học sinh đạt giải quốc gia chiếm (87,8%), có 11 học sinh học sinh được dự thi vòng 2 chọn đội tuyển thi Olympic quốc tế, có 01 học sinh đạt huy chương Bạc môn Toán Olympic quốc tế.

Ngay khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện những ca bệnh COVID-19 đầu tiên, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt với phương châm “chống dịch như chống giặc"; ban hành nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, huy động mọi nguồn lực tập trung phòng chống dịch bằng nhiều biện pháp; nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong việc thực hiện nhiệm vụ; cho dừng tất cả các hoạt động chưa cấp thiết của các cơ quan nhà nước để tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh; thành lập Bệnh viện dã chiến với quy mô 300 giường; trưng dụng Trường Quân sự tỉnh làm khu giám sát tập trung các đối tượng tiếp xúc gần với người bệnh; sử dụng Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên là cơ sở khám, chữa bệnh để điều trị một số trường hợp dương tính; kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều tra dịch tễ; tổ chức cách ly các trường hợp đến hoặc đi qua các quốc gia, vùng lãnh thổ có xuất hiện dịch bệnh; ban hành Nghị quyết hỗ trợ người thực hiện cách ly tại cơ sở điều trị, cơ sở cách ly tập trung và người thường trú, tạm trú tại địa phương có dịch bị kiểm soát ra vào theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện khoanh vùng, cách ly tại khu vực có dịch trên địa bàn xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên...

Vĩnh Phúc lập 12 chốt tại Sơn Lôi, vượt qua dịch bệnh an toàn
(Ảnh: Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc)

Theo báo cáo của Sở Y tế, trên địa bàn tỉnh có 12/12 trường hợp được xét nghiệm dương tính với vi rút COVID-19 đều được điều trị khỏi và ra viện. Từ ngày 04/4/2020 đến nay, toàn tỉnh không ghi nhận ca nhiễm mới và hiện không còn trường hợp nào đang phải cách ly tại tỉnh.

Năm 2020, số trẻ được tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin là 16.332 trẻ, bằng 76% kế hoạch giao, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019. Chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản và mục tiêu phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tiếp tục được triển khai ở tại các cơ sở y tế trên địa bàn, kết quả tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi là 10,5% (giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước), tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi là 8,2% (giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước). Các chương trình phòng chống bệnh phong, lao, sốt rét, sốt xuất huyết, đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn, bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng, y tế học đường… thực hiện hiệu quả.

Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện, 100% trạm y tế xã có bác sỹ, có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi và đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế đạt 92,5%. Tiến độ triển khai các công trình đầu tư phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân nhất là các công trình trọng điểm như Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện sản nhi được tập trung thực hiện.

Chủ động dự báo thuận lợi và khó khăn thách thức, bước sang năm 2021 này, Vĩnh Phúc quyết tâm nỗ lực bảo vệ thành quả của năm trước và tiếp tục vượt khó, đạt được các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực