Vĩnh Phúc: Chăm lo tới công tác dinh dưỡng

Thứ năm, 08/11/2012 16:20

(ĐCSVN) - Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn.

Sau 10 năm tổ chức thực hiện Chiến lược (từ 2000 - 2010), với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền; sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương; sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân cùng với các giải pháp động bộ, công tác dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Công tác dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuồi giảm mạnh, từ 30,4% năm 2001 xuống còn còn 16,3% năm 2010. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở thể thấp còi (chiều cao/ tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 37,9% năm 2001 xuống còn 27,9% năm 2010. Đặc biệt là tuỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2500gam giảm đáng kể, từ 4,5% năm 2001 xuống còn 3,1% năm 2010. Đây là một trong những chỉ tiêu chính quan trọng về sức khoẻ dinh dưỡng cần được quan tâm.

Công tác phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng được chú trọng, quan tâm. Mỗi năm có khoảng trên 95% trẻ em trong độ tuổi từ 6-36 tháng và trên 85% bà mẹ sau sinh được uống VitaminA. Các hoạt động tuần lễ dinh dưỡng và phát triển hàng năm được tổ chức triển khai từ tỉnh đến xã, phường. Qua đó, người dân hiểu và nâng cao chất lượng các bữa ăn trong gia đình với đẩy đủ 4 nhóm thực phẩm. Các rối loạn do thiếu hụt Iốt cơ bản cũng đã được thanh toán từ năm 2005.

Tổ chức bộ máy làm công tác dinh dưỡng được củng cố và phát triển. Hiện trong toàn tỉnh 100% các xã, phường, thị trấn đều có cán bộ chuyên trách dinh dưỡng và có trên 1.416 cộng tác viên dinh dưỡng, bao phủ tới tận thôn, bản.

Công tác tuyên truyền, tư vấn, phố biến kiến thức về dinh dưỡng được các cấp, các ngành thường xuyên đẩy mạnh với nhiều nội dung và hình thức phong phú trên các phương tiện truyền thông của tỉnh như: tổ chức các lớp tập huấn, sân khấu hoá, các cuộc thi tìm hiểu về dinh dưỡng, băng zôn, khẩu hiệu, panô áp phích ở những nơi công cộng... Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, địa phương, và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác dinh dưỡng đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định. Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em còn có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền núi, nông thôn với các vùng ở thành phố, thị xã của tỉnh; tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi và các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng, nhất là các trẻ ở thành phố, thị xã nơi có đời sống cao, kinh tế phát triển; mạng lưới triển khai các hoạt động về dinh dưỡng còn chưa ổn định; chế độ đãi ngộ thấp; nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền và nhân dân còn chưa đầy đủ nên chưa quan tâm đến công tác dinh dưỡng; ngân sách đầu tư cho công tác dinh dưỡng tuy đã được quan tâm nhưng còn thấp do đó việc thực hiện một số mục tiêu của chiến lược dinh dưỡng giai đoạn 2000 – 2010 chưa cao.

Để thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2015, với nhiều giải pháp đồng bộ như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, địa phương đối với công tác dinh dưỡng trên địa bàn; huy động sự hưởng ứng tham gia của toàn xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân; đưa các mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động hàng năm của tỉnh; đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục; củng cố mạng lưới đội ngũ làm công tác dinh dưỡng các cấp, trong đó chú trọng, quan tâm đến chế độ đãi ngộ... góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực