Vĩnh Phúc chủ động đối phó với bão lũ

Thứ hai, 15/08/2011 16:12

Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương và địa phương, năm 2011 tình hình thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp như: mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn luôn được các cấp, ngành và UBND các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, chủ động triển khai tích cực.

Những tháng đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xuất hiện 2 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới trên biển đông nhưng không gây thiệt hại nhiều đến tài sản của nhà nước và nhân dân. Cuối tháng 7 vừa qua, do ảnh hưởng của rãnh thấp bị nén và hội tụ gió trên cao trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra những trận mưa to kèm theo dông tố, lốc xoáy trên diện rộng. Mưa lớn và lốc tố đã làm 1 người thiệt mạng; 1.137m2 nhà ở bị tốc mái; 216 m tường rào bị đổ; 2 cột điện bị đổ; 60 con gia cầm bị chết; 50 cây lâu năm bị đổ; 7,2ha rau màu ngập úng. Ngay sau khi mưa, bão, lốc xảy ra, Văn phòng thường trực (Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh) đã trực tiếp đi kiểm tra; chỉ đạo các địa phương thống kê thiệt hại; thăm hỏi, động viên và làm các thủ tục cần thiết giúp đỡ gia đình người bị chết.

Để chủ động phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”, ngay từ đầu tháng 5, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã kiện toàn tổ chức các Ban chỉ huy PCLB&TKCN từ tỉnh đến các sở, ban, ngành và các huyện, thị, thành; phân công nhiệm vụ cho các thành viên; xây dựng phương án chống lụt bão các hồ, đập, các công trình đầu mối thuỷ lợi trọng. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng và hiện trạng các công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn công tác quản lý đê cho cán bộ chủ chốt cấp xã tham gia công tác quản lý đê- hộ đê trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch chuẩn bị vật tư, trang thiết bị PCLB&TKCN; phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, UBND huyện Sông Lô tổ chức diễn tập thực binh PCLB&TKCN- hộ đê tại xã Đôn Nhân. Công tác tập huấn, diễn tập hộ đê phòng chống lụt bão đã được triển khai trên địa bàn các huyện, thành, thị. Các sở, ban, ngành đã trực tiếp xuống các địa phương kiểm tra đôn đốc các huyện, thành, thị triển khai công tác phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn. Các loại vật tư dự trữ phục vụ phòng chống bão lũ đã được chuẩn bị đầy đủ, kịp thời.

Vĩnh Phúc hiện có 152,170 Km đê từ cấp I đến cấp IV và đê nội đồng. Trong đó có 04 tuyến đê sông chính là đê tả sông Hồng, đê tả sông Lô, đê tả và hữu sông Phó Đáy; 02 tuyến đê nội đồng(đê sông Sáu Vó, đê sông Cà Lồ); 01 tuyến đê bối sông Hồng thuộc huyện Yên Lạc và huyện Vĩnh Tường. Theo kết quả kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, hồ đập của Sở NN&PTNT cho thấy, hệ thống công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn tỉnh có thể đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ khi mưa, lũ đạt tần suất thiết kế. Một số công trình hồ Đại Lải như đập Đông, đập Tây, đập Thanh cao, mặt đập đã được rải nhựa và gia cố thân đập. Các cống số 1, số 2 và đập tràn xả lũ, hệ thống van đóng mở, máy, cánh cổng tràn, tời vận hành được bảo dưỡng thường xuyên...

Tuy nhiên, hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình phụ trợ được tu bổ, nâng cấp qua nhiều thời kỳ và trải qua quá trình sử dụng và khai thác, nhiều công trình đã và đang xuống cấp hoặc còn tồn tại những khuyết tật, nguy cơ ẩn hoạ khôn lường. Một số tuyến đê tả sông Hồng từ xã Tân Cương đến xã Phú Thịnh (Vĩnh Tường); xã Liên Châu (Yên Lạc) có nền địa chất yếu, thường xảy ra mạch đùn, mạch sủi, giếng sủi ở thân đê khi nước sông vượt mức báo động III…

Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT tỉnh đã lập phương án chỉ đạo các địa phương tổ chức gia cố, nâng cấp chất lượng các đoạn đê trên. Đến nay, toàn tuyến đã tiến hành khoan phụt vữa gia cố được 11km đê; 100% chiều dài mặt đê đã được cứng hoá; 27điếm canh đê trên tuyến đã được sửa chữa đảm bảo công tác tuần tra canh gác đê và tập kết phương tiện, vật tư PCLB; hệ thống kè, cống được kiểm tra và gia cố tại những vị trí bị sạt lở. Đối với hệ thống đê thuộc vùng chậm lũ, Ban chỉ huy PCBL&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các huyện xây dựng phương án bảo vệ an toàn cho các hồ, đề phòng khi xảy ra mưa lớn trên địa bàn dẫn đến mực nước các hồ tăng vượt tần xuất thiết kế, các tràn xả lũ không xả kịp dẫn tới tràn đập, vỡ đập. Tại các xã thuộc các huyện có hệ thống đê chạy qua, mỗi xã đã thành lập các đội xung kích hộ đê từ 100-150 người, đội cứu nạn, cứu hộ làm nhiệm vụ cứu người và tài sản khi xảy ra ngập lụt.

Đến nay, các xã trên địa bàn nằm trong các huyện trọng điểm thường xuyên phải chịu tác động của mưa, lũ đã tập kết đầy đủ vật tư phòng chống bão lụt. Đối với hồ đập, các huyện, thành, thị, Công ty TNHH một thành viên thuỷ lợi đã xây dựng quy trình vận hành hồ; xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho các hồ chứa và phương án di dân đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn. Dựa vào tình hình thực tế các trọng điểm của từng địa phương, phân ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đã xây dựng phương án tìm kiếm cứu nạn; tổ chức hiệp đồng với bộ đội chủ lực trên địa bàn tỉnh và giao nhiệm vụ cho các đơn vị bộ đội địa phương chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng triển khai sơ tán dân khi cần thiết, bố trí lực lượng theo từng khu vực để xử lý tình huống. Sở Lao động Thương binh và xã hội rà soát lực lượng, giao kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ với các doanh nghiệp theo phương án bảo vệ các vùng trọng điểm. Sở Giao thông vận tải đã xây dựng kế hoạch phân luồng trên các tuyến giao thông; hiệp đồng với các doanh nghiệp về số lượng phương tiện dự kiến huy động tham gia ứng cứu khi có lệnh của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hợi, Trưởng phòng phòng chống lụt bão tỉnh, hiện nay các cấp, ngành, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đều đã chủ động sẵn sàng đối phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết với quyết tâm giữ đê điều, hồ, đập an toàn trong mùa mưa lũ năm 2011, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực