(ĐCSVN) - Trong những năm qua, cùng với tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thì công tác chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được cấp ủy, chính quyền các xã có rừng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm.
Xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu mùa khô 2013-2014 (từ tháng 9/2013- 9/2014), Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn (TKCN)&PCCCR- BVR đã tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách trong BVR và PCCCR; tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện công tác PCCCR. Các huyện, thị xã đã rà soát, kiện toàn 6 Ban Chỉ huy TKCN&PCCCR-BVP, xây dựng 6 phương án PCCCR, BVR cấp huyện; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thị xã có rừng hiệp đồng với các đơn vị Công an, Kiểm lâm đóng trên địa bàn trong công tác PCCCR, BVR; Kiểm lâm, Công an tỉnh, Cảnh sát PC&CC các huyện, thị xã có rừng đã xây dựng phương án, tổ chức kiểm tra về PCCCR. Đồng thời, kiện toàn 26 Ban Chỉ huy cấp xã; 35 Ban Chỉ huy các chủ rừng; xây dựng 26 phương án PCCCR, BVR; củng cố 120 tổ xung kích chữa cháy rừng với trên 1.500 người tham gia.
|
Lực lượng kiểm lâm Tam Đảo thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, nhằm phát hiện kịp thời các vụ cháy xảy ra (Ảnh: Mai Liên) |
Công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR cho người dân luôn được lực lượng kiểm lâm thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, qua đó, huy động được toàn dân tham gia bảo vệ rừng, PCCCR. Mùa khô 2013-2014, Chi cục Kiểm lâm biên soạn và in ấn phát hành 4.000 tờ tuyên truyền về PCCCR, BVR, cấp phát 27 băng Zôn, kẻ vẽ lại 31 bảng tin tuyên truyền, 11 bảng cấp dự báo cháy rừng, 9 bảng nội quy bảo vệ rừng và 60 khẩu hiệu, pano áp phích trên vách đá; phối hợp với Hạt Kiểm lâm tổ chức 10 lớp huấn luyện về công tác PCCCR, BVR cho gần 1.000 lượt người là lực lượng quân đội, dân quân tự vệ và các chủ rừng; đồng thời, hợp đồng với Trung tâm Khí tượng Thủy văn cung cấp số liệu khí tượng 27 lần/năm; duy trì cảnh báo cháy rừng 10 ngày/đợt trên Đài PT-TH tỉnh.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy TCKN&PCCCR-BVR cấp huyện, cấp xã thực hiện nghiêm túc chế độ tuần tra canh gác lửa rừng tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, nhất là các ngày có dự báo (từ cấp IV, cấp V) đảm bảo thường trực 24/24 giờ trong ngày và bố trí 35 người trực tại các lán, chòi canh ở rừng; triển khai các biện pháp nghiệp vụ như: Bố trí lực lượng tại các lối vào rừng; đôn đốc, hướng dẫn các chủ rừng (nhất là các tổ chức kinh tế, hộ gia đình) các biện pháp lâm sinh làm giảm nguồn vật liệu cháy. Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy tiến hành hơn 10 lượt kiểm tra đột xuất tại các chủ rừng có nguy cơ cháy cao. Nhờ vậy, mùa khô năm 2013-2014, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy, nhưng do chủ động trong công tác PCCCR nên hầu hết các vụ cháy đều được lực lượng chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương phát hiện, tổ chức chữa cháy kịp thời, do đó đã hạn chế được thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Đại diện Chi cục kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về PCCCR, nhất là những tháng cao điểm thời tiết nắng nóng khô hạn, lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền các xã có rừng triển khai đồng bộ giải pháp PCCCR. Trong đó, tổ chức ký cam kết BVR, PCCCR tại các hộ gia đình sống gần rừng, ven rừng, các em học sinh; xây dựng các tổ nhóm “liên gia” chủ rừng hỗ trợ nhau trong BVR, PCCCR; kiện toàn Ban Chỉ huy TKCN&PCCCR-BVR các cấp; củng cố các tổ xung kích chữa cháy rừng; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Theo dõi cấp dự báo cháy rừng thời lượng 10 ngày/lần; thường xuyên kiểm tra các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Xác định, phân loại các vùng rừng có nguy cơ dễ xảy ra và thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng cho từng đối tượng rừng; xây dựng sơ đồ PCCCR-BVR chi tiết các khu vực trọng điểm cháy rừng cao. Xây dựng mới, tu sửa các công trình PCCCR như: Chòi canh lửa, đường băng cản lửa, hệ thống các bảng, biểu; xử lý dứt điểm, kịp thời các vụ cháy, các điểm nóng chặt phá rừng; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện phương án BVR- PCCCR; tổ chức diễn tập chữa cháy rừng ở một số huyện, thị xã có nguy cơ cháy rừng cao; quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở trong rừng và ven rừng.
Với sự quan tâm thường xuyên của các cấp, ngành và sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của các đơn vị, chủ rừng trong công tác PCCCR (với phương châm 4 tại chỗ, 1 ứng cứu) Vĩnh Phúc chủ động ứng phó nguy cơ xảy ra cháy rừng mùa khô năm nay, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra.