Ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên (Ảnh: sotnmt.vinhphuc.gov.vn)
Quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản được tỉnh đặc biệt chú trọng. Các cấp, các ngành tổ chức triển khai tốt Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 23/4/2012 của Tỉnh ủy về quản lý và sử dụng tài nguyên trên địa bàn; các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng… Do đó, đã chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lãng phí tài nguyên đất và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Trung ương khen thưởng; những vi phạm về khai thác khoáng sản được xử lý nghiêm minh và được lập lại trật tự theo quy hoạch đã được duyệt.
Bên cạnh đó, về thực hiện chính sách đất dịch vụ UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có cách tiếp cận mới về xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo đúng pháp luật, hài hòa 3 lợi ích, chú trọng đảm bảo lợi ích của người dân bị mất đất và giải quyết đất ở, nhà ở của nhân dân và đã đề xuất với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/2011/NQ-HĐND về giải quyết chính sách đất dịch vụ; ban hành Quyết định 18/2011/QĐ-UBND thực hiện quy định về bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; ban hành các quyết định số 06/2012/QĐ-UBND, quyết định số 40/2014/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung quyết định số 60/2009/QĐ-UBND và các ngành có hướng dẫn liên ngành số 03/HDLN về trình tự, thủ tục, phê duyệt địa điểm, giải phóng mặt bằng, thu hồi và giao đất thực hiện dự án đầu tư; ngoài ra UBND tỉnh đã phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm và tạo quyền chủ động cho cấp huyện, cấp xã giải quyết về đất dịch vụ...
Vì vậy, những vướng mắc về đất dịch vụ tồn tại rất nhiều năm đã được giải quyết cơ bản xong, nguồn thu từ đất tăng dần qua các năm (năm 2012 đạt 354 tỷ, năm 2013 đạt 535 tỷ, năm 2014 đạt 724 tỷ đồng), ước cả giai đoạn đạt 2,74 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, các hoạt động bảo vệ môi trường được quan tâm. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả. Nguồn kinh phí để xử lý, cải thiện môi trường được bố trí năm sau luôn cao hơn năm trước; nhiều nội dung được hỗ trợ trực tiếp đến cấp xã để chủ động triển khai.
Ngoài ra, các hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường được triển khai sâu rộng, ý thức bảo vệ môi trường của các tầng lớp nhân dân được nâng lên; các hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường được duy trì thường xuyên. Đến nay, công tác thu gom, xử lý rác thải nhất là việc đầu tư vận hành các lò đốt rác thải liên xã đã giải quyết tích cực vấn đề rác thải sinh hoạt.
Đáng chú ý, việc sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh ở nông thôn cũng đang có bước chuyển biến rõ nét, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo xây dựng các công trình cấp nước tập trung bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia, vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) và dự án hỗ trợ xây dựng công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Hạ tầng tiêu thoát và xử lý nước thải như các dự án hỗ trợ xây dựng hầm biogas, hỗ trợ công trình xử lý nước thải khu dân cư, xây dựng rãnh thoát nước thải đang được triển khai góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn.