Vĩnh Phúc: Đã có 1.618 doanh nghiệp tham gia vào thị trường trong 11 tháng năm 2022

Thứ năm, 01/12/2022 15:26
(ĐCSVN) - Theo số liệu của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 15/11/2022 có 1.618 doanh nghiệp doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động, cao hơn thời điểm 31/12/2021 (1.224 doanh nghiệp), cao nhất kể từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc đến nay. Ước tính với 1.618 doanh nghiệp tham gia vào thị trường này sẽ tạo thêm việc làm cho 9.343 lao động trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, trước nhiều biến động của thị trường, hoạt động của các doanh nghiệp liên tục phải đối mặt với nhiều thách thức (Ảnh: M.P) 

Để đạt được kết quả này, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và những nỗ lực của Chính phủ trong việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thời gian qua, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức bộ máy; thực hiện nhiều biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc.

Trên địa bàn toàn tỉnh có 1.235 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 21.148 tỷ đồng, tăng 17,40% về số doanh nghiệp, tăng mạnh 86,96% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo khu vực kinh tế, ngành dịch vụ có sự phục hồi rõ nét sau đại dịch COVID-19 với số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất là 781 doanh nghiệp (chiếm 63,24%) vốn đăng ký mới 7.100 tỷ đồng, tăng 24,76% về số doanh nghiệp và tăng 1,21% về vốn đăng ký. Trong đó, ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có số lượng doanh nghiệp thành lập lớn nhất là 414 doanh nghiệp (chiếm 53,01% trong khu vực dịch vụ) với tổng vốn đăng ký đạt 2.867 tỷ đồng, ước tính tạo thêm việc làm cho 2.094 lao động.

Khu vực công nghiệp, xây dựng có 446 doanh nghiệp thành lập mới (chiếm 36,11%) với số vốn đăng ký lớn nhất trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp mới thành lập, đạt 13.970 tỷ đồng, tăng 7,73% về số doanh nghiệp và tăng 241,98% về vốn đăng ký, ước tính tạo thêm việc làm cho 5.097 lao động; trong khu vực này, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành tạo thêm được nhiều việc làm cho người lao động nhất, với 4.081 lao động và cũng là ngành có thu nhập bình quân cao nhất trong các ngành còn lại.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 383 doanh nghiệp, tăng 16,77% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng đầu năm 2022 lên 1.618 doanh nghiệp. Đây là những tín hiệu rõ nét cho thấy tinh thần, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại, khu vực doanh nghiệp đã có sự phục hồi khá nhanh.

Tuy nhiên, trước nhiều biến động của thị trường, hoạt động của các doanh nghiệp liên tục phải đối mặt với nhiều thách thức, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể vẫn tiếp tục gia tăng. Tính đến ngày 15/11/2022, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong kỳ là 606 doanh nghiệp, tăng 21,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 532 doanh nghiệp, tăng 29,44%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 74 doanh nghiệp, giảm 15,91%. Trung bình mỗi tháng có 55 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tính đến ngày 15/11/2022 Vĩnh Phúc có 1.618 doanh nghiệp doanh nghiệp thành lập mới  (ảnh: M.P)

Được biết, cộng đồng doanh nghiệp gặp phải khó khăn trên là do phần lớn doanh nghiệp trên địa tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới, thiếu đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo; năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp. Doanh nghiệp phát triển còn manh mún, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác; khả năng tiếp cận nguồn vốn thấp; ít doanh nghiệp lớn có năng lực cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế. Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, Tỉnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đón làn sóng đầu tư mới, thu hút các nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực vào đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cũng cần đoàn kết, chia sẻ, gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu cùng phát triển bền vững. Chủ động duy trì và phát triển doanh nghiệp theo hướng đổi mới tư duy, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn; ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Lê Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực