Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh cải cách hành chính

Thứ ba, 20/12/2016 17:11
(ĐCSVN) - Sau 20 năm tái lập tỉnh, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực trên các nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

Ảnh minh  họa (Ảnh:M.P)
Việc thành lập và đưa vào hoạt động Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại tất các Sở, ngành, địa phương với sự đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ một nửa đến 1/3 so với quy định, góp phần giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, tổ chức, công dân đến làm việc và được đánh giá cao thông qua việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 tỉnh đứng vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành.

Bên cạnh đó, công tác cải cách tổ chức bộ máy được thực hiện tích cực theo hướng hiệu quả và tinh gọn hơn. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã giảm từ 23 cơ quan xuống còn 19 cơ quan; Các cơ quan chuyên môn cấp huyện đã giảm từ 14 phòng xuống còn 12 phòng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của các cơ quan nhà nước được đầu tư cơ bản tạo môi trường làm việc lịch sự, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Đồng thời tỉnh đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá và hiện đại hóa nền hành chính thông qua việc áp dụng thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 ở các cấp, ứng dụng công nghệ thông tin như: phần mềm quản lý văn bản tại các cơ quan, xây dựng mạng lưới thông tin,... qua đó góp phần tăng cường hiệu quả cải cách hành chính của tỉnh.

Ngoài ra, công tác thể chế hoá để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền của địa phương được thực hiện cơ bản kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng số TTHC các cấp hiện nay là 1.393 TTHC ở 135 lĩnh vực; trong đó có 103 lĩnh vực giải quyết tại Bộ phận một cửa, một cửa liên thông với 757 TTHC. Các thủ tục đều được công khai minh bạch trên cổng thông tin của tỉnh và của các website của các Sở, ngành.     

Bên cạnh công tác cải cách TTHC, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai tích cực, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, đất đai, tài nguyên môi trường.

Thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính được kết hợp thực hiện tốt, tập trung vào những vấn đề bức xúc mà dư luận đang quan tâm. Trong 20 năm qua, đã tiến hành 1.098 cuộc thanh, kiểm tra tại 6.114 điểm. Qua thanh tra, các tổ chức thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế với giá trị 798,9 tỷ đồng và 2.654,6 ha đất. Kiến nghị thu hồi 175,3 tỷ đồng và 1.098,1ha đất; kiến nghị xử lý khác 476,7 tỷ đồng (loại khỏi giá trị trình quyết toán 83,6 tỷ đồng) và 1.556,5 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 345 tổ chức và 12.242 cá nhân. Đã thu 102,8 tỷ đồng và 0,224ha đất, đã xử lý 29 tập thể và 05 cá nhân. Đồng thời, các tổ chức thanh tra đã có 457 kiến nghị chấn chỉnh về công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được thanh tra.

Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo cũng được quan tâm giải quyết với nhiều chủ trương, biện pháp tích cực như: xây dựng chương trình, kế hoạch, thành lập các đoàn thanh tra, tổ công tác để thẩm tra, xác minh giải quyết các vụ việc nhất là các vụ việc phức tạp, đông người; tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết đã có hiệu lực pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực thường có khiếu kiện, như: Quản lý sử dụng đất đai; thường xuyên rà soát, hoàn thiện quy định về cơ chế trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, thực hiện tốt các chính sách xã hội nên đã góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, kéo dài, đưa tỷ lệ giải quyết, xử lý đơn thư đạt trên 75%. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí đã được các cấp, các ngành quan tâm, triển khai tốt ở tất cả các lĩnh vực.    

T.L

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực