Vĩnh Phúc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Thứ sáu, 15/06/2012 15:43

(ĐCSVN) - Bạo lực gia đình hiện nay đang là một trong những vấn đề mà cả xã hội hết sức quan tâm, lo lắng bởi nó có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của rất nhiều người, nhiều gia đình mà trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Tuy chưa có thống kê toàn diện và cụ thể, nhưng theo báo cáo của các huyện, thành, thị và các sở ngành liên quan thì năm 2010 toàn tỉnh có 276 vụ bạo lực gia đình; năm 2011 có 497 vụ (tăng 221 vụ), trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, hình thức bạo lực chủ yếu là đánh đập về thể xác và bạo lực về tinh thần. Đó là những con số thống kê được, còn thực tế các vụ bạo lực có thể cao gấp nhiều lần mà các cơ quan chức năng, cộng đồng dân cư chưa biết đến.

Còn theo báo cáo của Toà án nhân dân tỉnh, năm 2010 toàn tỉnh có 979 vụ ly hôn, năm 2011 có 1.173 vụ án ly hôn (tăng 194 vụ so với năm 2010), trong đó có 240 vụ án ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình.

Đáng quan tâm hơn là thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh đã nổi lên một số vụ bạo lực gia đình khiến dư luận trong và ngoài tỉnh quan tâm và rất bức xúc như: Cha đẻ cưỡng bức con gái, con giết cha, chồng đánh đập vợ,... điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm ngày càng cao.

Để triển khai tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trên địa bàn, tình Vĩnh Phúc đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống bạo lực gia đình, ở các huyện, thành, thị đã thí điểm xây dựng mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Đến nay, toàn tỉnh đã có 30 mô hình điểm về PCBLGĐ. Công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn hoà giải được các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh. Đã có hàng nghìn, hàng vạn cuốn tài liệu tuyên truyền về công tác gia đình, công tác phòng chống bạo lực gia đình được in và phát hành; xây dựng nhiều cụm panô ápphích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền; phối hợp với Đài phát thanh- Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin điện tử tỉnh xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được chú trọng;... qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ và từng bước hạn chế tình trạng bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa cao; hiệu quả của tuyên truyền, vận động còn thấp; công tác phát hiện, thống kê báo cáo về bạo lực gia đình rất khó khăn nên việc xử lý các hành vi vi phạm bạo lực gia đình chưa kịp thời;...

Để việc thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình; việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác gia đình trong thời gian tới đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới tỉnh cần quan tâm, chú trọng đến một số giải pháp: Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm túc Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, qua đó nhằm nâng cao nhận thức, tiến tới việc thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình, nguyên nhân và hậu quả nghiêm trọng của nó; tiếp tục duy trì và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình người Việt Nam, vai trò của họ hàng, dòng họ trong việc duy trì sự ổn định, đoàn kết và êm ấm đời sống gia đình; đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá, nếp sống văn minh trong đó đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình; nhân rộng các mô hình câu lạc bộ gia đình, các nhóm phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh; xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi bạo lực gia đình, các hành vi vi phạm pháp luật cần phải; tăng cường vai trò Lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và nhân dân trong thực hiện phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới; cần có cuộc điều tra tổng thể trong phạm vi toàn tỉnh về các vụ bạo lực gia đình để ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra các vụ án nghiêm trọng./.  

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực