Theo số liệu thống kê, hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 55 đơn vị dạy nghề, trong đó 3 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 18 trung tâm, 12 trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và 17 cơ sở giáo dục khác có dạy nghề.
Để tạo việc làm cho người lao động, tỉnh đã hỗ trợ, triển khai nhiều chính sách để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là khuyến khích các công ty, doanh nghiệp tự mở các lớp, các trung tâm đào tạo để chủ động về nhân lực, dạy nghề cho lao động ở các địa phương dành đất phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Mỗi năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc lại xem xét, tìm hiểu cần phải dạy nghề gì cho phù hợp với lao động thực tế tại địa phương và nhu cầu của người lao động. Qua đó các địa phương tổ chức nhân rộng các mô hình dạy nghề; tuyên truyền về các quan điểm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho bản thân và gia đình người lao động, góp phần ổn định xã hội thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2005 - 2010 đã có 23.800 lao động được học nghề. Hiện có 6.000 người được cấp hỗ trợ kinh phí học nghề với tổng số tiền trên 4 tỉ đồng. Cùng với số lượng người lao động được đào tạo nghề ngày càng tăng cao, chất lượng đào tạo nghề cũng tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trên 95%.
Tại Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức- cái nôi của đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những điển hình đối với việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động. Hiện toàn trường có trên 4.000 học sinh, sinh viên gồm các nghề hàn, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, kỹ thuật lắp ráp, sửa chữa máy tính, may và thiết kế thời trang, ngoại ngữ...
Những năm qua, nhà trường đã không ngừng đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, nhờ đó hầu hết học viên ra trường đều có tay nghề ổn định với việc làm thu nhập khá cao, đáp ứng nhu cầu của địa phương. Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy học, nhà trường còn tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong giảng dạy và trang bị cơ sở vật chất, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức nước ngoài.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, trong thời gian tới Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục phát triển dạy nghề theo hướng đa dạng, linh hoạt và gắn với thị trường lao động; gắn quy hoạch dạy nghề với quy hoạch của các ngành, địa phương, khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động, tuyển dụng đủ giáo viên cho các cơ sở dạy nghề, đặc biệt là những giáo viên có trình độ cao; tăng cường công tác thanh, kiểm tra ở các cơ sở dạy nghề, nhằm uốn nắn những sai lệch trong công tác dạy nghề. Đồng thời, tỉnh cũng chủ trương phát triển các lớp dạy nghề tập trung tại khu công nghiệp, nhằm thu hút lực lượng lao động nông thôn và lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất và học nghề, gắn đào tạo với việc sử dụng lao động, mở rộng quy mô và năng lực đào tạo…